Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023: Chặng nước rút với quyết tâm cao nhất

Những diễn biến hoạt động liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công chưa bao giờ sôi động như hiện nay vì quỹ thời gian dần cạn trong khi lượng vốn cần giải ngân còn lại không hề nhỏ. Đây là thực tế đáng lưu ý nhưng cũng là chặng nước rút để có thể đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong năm 2023. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rất quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác giải ngân vốn, công trình cầu Mỹ Thuận 2 (cạnh cầu Mỹ Thuận) nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 31-12-2023.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác giải ngân vốn, công trình cầu Mỹ Thuận 2 (cạnh cầu Mỹ Thuận) nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 31-12-2023.

Chuyển biến đáng ghi nhận

Trong 11 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% so với cùng kỳ năm 2022 (số tuyệt đối cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng). Như vậy, các số liệu trên thể hiện rõ sự chuyển biến đáng ghi nhận, tiến bộ hơn hẳn so với cùng kỳ của hoạt động giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện/văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và đưa nội dung đầu tư công vào các cuộc họp Thường trực Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ. Cùng với đó là duy trì hoạt động của 5 tổ công tác của Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; lập 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt kết quả tốt hơn năm 2022.

Tuy nhiên, hiện còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Thực tế trên cũng cho thấy, khối lượng công việc, phần vốn cần giải ngân còn lại vẫn rất lớn, đặt ra áp lực về tiến độ, thời gian đối với nhiều dự án…

Các hạn chế, tồn tại tiếp tục được điểm danh, trong đó nổi lên vẫn là khó giải phóng mặt bằng, bên cạnh sự bất cập trong giai đoạn chuẩn bị dự án, một số chồng chéo trong quy định… Đặc biệt, một số cán bộ thực thi công vụ còn tâm lý lúng túng, e ngại. Việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, như: Chuẩn bị dự án còn sơ sài nên vướng mắc khi triển khai; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, nhất là trong xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Thậm chí, có cán bộ còn né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế…

Những vấn đề trên không mới nhưng chậm được khắc phục. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nên đặt câu hỏi tại sao cùng một quy định, cơ chế nhưng có nơi đạt kết quả tốt, nơi khác chưa tốt. Các chuyên gia cũng cho rằng, nơi nào có lãnh đạo tự giác vào cuộc, với tinh thần trách nhiệm cao thì thường đạt kết quả cao hơn.

Nhờ thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được tăng tốc, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Ảnh: Nguyễn Tùng

Nhờ thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được tăng tốc, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Ảnh: Nguyễn Tùng

Dồn sức để giải ngân

Trên thực tế, khối lượng giải ngân còn lại khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng). Mục tiêu đặt ra là quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao. Vì vậy, trước hết, các bộ, cơ quan, địa phương phải nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên. Các dự án đều phải tăng tốc, chủ động hơn trong thi công. Đáng lưu ý, có 3 dự án giao thông lớn phải hoàn thành đưa vào sử dụng gồm cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dịp cuối năm nay. Các dự án này quy mô vốn lớn và nhà thầu đang tăng ca, kíp để đẩy nhanh tối đa tốc độ.

Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Điều chuyển vốn từ những nơi, dự án giải ngân chậm sang những dự án, những nơi giải ngân hiệu quả. Kho bạc Nhà nước kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án. Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng. Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là xăng, dầu, sắt thép...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, giải pháp nữa là cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... Vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Về kỷ luật, kỷ cương, người đứng đầu Chính phủ đã phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình hình. “Các bộ, cơ quan, địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý các vướng mắc, ách tắc trên thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; kiểm điểm những đơn vị, cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):
Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng qua dù chưa được như kỳ vọng song đã cho thấy sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, bởi năm nay số vốn đầu tư công được giao là rất lớn. Để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao, tôi cho rằng cần sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện thi công các dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công… Cùng với việc đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn thì chất lượng công trình cũng phải được bảo đảm để khi đưa vào hoạt động công trình đạt hiệu quả cao nhất.

Thạc sĩ Phạm Hoàng Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính:
Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Chính phủ đã tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, và các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội cần ưu tiên tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của thành phố cũng như của quốc gia, góp phần tăng tốc giải ngân và tác động trực tiếp đến cầu tiêu dùng, thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp dịp cuối năm.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng của năm 2023 của thành phố đạt 53,7% kế hoạch góp phần giúp GRDP tăng 6,08%. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cùng kỳ đạt 52% kế hoạch và tăng trưởng GDP là 4,24%. Có thể thấy tỷ lệ giải ngân gần như bằng nhau nhưng GRDP của Hà Nội tăng cao hơn GDP cả nước 1,84 điểm %.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường:
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao

Tính đến đầu tháng 12-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã giải ngân được 2.737,8/3.064,2 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư kế hoạch của năm 2023, đạt 89,3% và giải ngân được 46,7/80,3 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư kế hoạch của năm 2022, đạt 58,1%. Để đạt được kết quả này, trên cơ sở kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý dự án đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện cụ thể đối với từng dự án; xây dựng kế hoạch, tiến độ giải ngân theo từng tháng; giao ban các dự án theo chuyên đề để nắm bắt tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ.

Ngay trong tháng 1-2024, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023, mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch thành phố giao.

Lương - Hoa - Hương ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2023-chang-nuoc-rut-voi-quyet-tam-cao-nhat-653270.html