Giải ngân vốn nước ngoài tại địa phương mới đạt 7,6% kế hoạch

Năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn được giao.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Chiều 28/6, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (vốn ODA) 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao.

Đặc biệt, mới có 8/50 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 15%; 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trả lời về những vướng mắc của các địa phương trong giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trả lời về những vướng mắc của các địa phương trong giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Để triển khai nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo toàn ngành tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; trong đó bao gồm cả vốn vay nước ngoài như có công văn gửi các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài thuộc kế hoạch vốn 2023.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Đồng thời đã phối hợp, tổ chức các đoàn làm việc với 2 Bộ và 8 địa phương có số kế hoạch vốn nước ngoài được giao lớn trong tháng 2, tháng 3 và tháng 4 để xử lý các vướng mắc về thủ tục giải ngân, thanh toán, các vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; phối hợp chuẩn bị tài liệu và tham gia toàn bộ các đoàn công tác đôn đốc giải ngân của Thủ tướng Chính phủ tại các Bộ, ngành, địa phương; rà soát quy trình tiếp nhận hồ sơ và xử lý đơn rút vốn đảm bảo thời hạn ngắn nhất và trả ngay cho các chủ dự án nếu hồ sơ chưa hợp lệ; trao đổi, làm việc với các nhà tài trợ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết, hiệu lực các hiệp định vay… Tuy nhiên, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm còn thấp.

Thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp, đại diện tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2023 nguồn vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh là hơn 900 tỷ đồng cho 9 dự án, đến thời điểm hiện nay mới giải ngân được 15%. Nguyên ngân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do chưa thống nhất được với đơn vị tư vấn, nhà tài trợ; hay việc giải phóng mặt bằng.

Đại diện Hà Giang cũng thừa nhận những nguyên nhân này là do nội tại của tỉnh và tỉnh đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để giải quyết vướng mắc nhằm đạt mục tiêu giải ngân cao nhất.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Theo ông Trương Hùng Long, các vướng mắc chủ yếu của các địa phương là liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Các dự án thuộc nhóm này phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân hoặc đang làm thủ tục sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó là nhóm vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; giải phóng mặt bằng; điều chỉnh thiết kế; biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công...

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định thiết kế để đảm bảo tiến độ thẩm định thiết kế của các dự án. Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong lĩnh vực y tế để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đưa thiết bị y tế vào lưu hành, sử dụng.

Về phía Bộ Tài chính, sẽ triển khai một số biện pháp như đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng quy định, tiếp tục tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công; trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-ngan-von-nuoc-ngoai-tai-dia-phuong-moi-dat-7-6-ke-hoach/297306.html