Giải ngân vốn ODA: Cần tính đến hiệu quả của từng đồng vốn

Bên cạnh những yếu tố khách quan, việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA chậm do nhiều địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu cũng như tính đến khả năng giải ngân của dự án.

(Ảnh: Vietnam+)

(Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương cho thấy việc triển khai thực hiện nguồn vốn vay nước ngoài ODA tại nhiều tỉnh đang rất thấp.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước từ nguồn ODA trong 11 tháng của năm 2021 chỉ đạt gần 22% kế hoạch được giao. Thậm chí, nhiều tỉnh tiến độ giải ngân mới chỉ qua "vạch xuất phát" như tỉnh Kon Tum báo cáo mới giải ngân được 11% kế hoạch, Quảng Trị gần 12%, An Giang ước đạt 14%, Cà Mau trên 20% và Bạc Liêu là 24%...

Thủ tục kéo dài, nhiều dự án dang dở

Theo các địa phương phản ánh, việc triển khai dự án chậm chủ yếu do thủ tục điều chỉnh dự án, thủ tục về thực hiện và rút vốn, giải ngân các dự án ODA thường kéo dài nên công tác chuẩn bị đầu tư dự án lâu, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, công nhân, chuyên gia, tư vấn của các nhà thầu phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội ở một số địa phương nên không đảm bảo tiến độ thi công liên tục của dự án. Ngoài ra, yếu tố dịch COVID-19 cũng khiến cho chuyên gia nước ngoài sang không sang được Việt Nam và các gói thầu nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu bị chậm tiến độ.

Cụ thể, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết Hiệp định viện trợ hàng hóa, vật tư ngành nước giai đoạn II (Hệ thống cấp nước xã Vĩnh Long-Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - do Italia tài trợ) được tổ chức thực hiện từ năm 2016, nhưng đến nay dự án triển khai rất chậm với nhiều hạng mục còn dang dở.

“Tỉnh đã kiến nghị với Bộ Tài chính đề nghị dừng sử dụng phần vốn nước ngoài và sửa đổi, điều chỉnh chủ trương đầu tư nguồn vốn đối ứng tại một số dự án khác,” ông Hưng nói.

Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, cũng chia sẻ tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA gặp khó khăn trong việc thống nhất với các nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án. Theo đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2021 của các dự án ODA và bố trí lại trong kế hoạch vốn năm 2022.

Với kinh nghiệm từng là lãnh đạo địa phương, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng để đảm bảo có hiệu quả trong việc triển khai các dự án ODA, các cơ quan chức năng ở mỗi tỉnh cần phải chọn người “thạo việc,” nếu không chắc chắn sẽ bị chậm trễ.

“Do quá trình làm việc với các chuyên gia, nhà tư vấn có nhiều vấn đề khúc mắc, phải họp nhiều lần hay thậm chí không nghiệm thu được tiến độ. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh phân công nhân sự thực hiện phải nắm chắc chuyên môn và ngoại ngữ giỏi, hơn nữa phải am hiểu các thủ tục hiện hành… để có thể đàm phán với đối tác, có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ dự án,” Bộ trưởng trao đổi.

Cần năng cao năng lực chuẩn bị dự án

Tuy nhiên theo ghi nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, nhấn mạnh chỉ có một số dự án gặp vướng về chuyên gia và máy móc thiết bị, còn lại chủ yếu do địa phương chuẩn bị dự án chưa tốt và đề nghị vốn quá cao.

Trong số đó, ông Tâm chỉ ra việc xây dựng kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu cũng như tính đến khả năng giải ngân của dự án. Mặt khác, một số dự án lại kết dư do đấu thầu giảm, điều này dẫn đến kế hoạch cao hơn thực tế giải ngân.

Trên thực tế, công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án tại nhiều địa phương còn rất sơ sài, chất lượng kém. Thêm vào đó, việc phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành và còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn.

Với các bước chuẩn bị thiếu căn cơ, ông Tâm cho biết khi dự án sau khi được quyết định đầu tư và triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí là không phù hợp với thực địa thi công. Những điều này khiến dự án phải điều chỉnh, trong đó phần lớn là các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Về các đề xuất của địa phương xin kéo dài, điều chuyển/cắt giảm vốn ODA, ông Tâm cho biết theo quy định, các dự án đã phân bổ song không giải ngân được sẽ thu lại và trừ trong kế hoạch trung hạn đồng thời không bố trí tiếp.

Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện còn 36 địa phương có tỷ lệ vốn giải ngân vốn vay ODA dưới 30%, do đó để thực hiện mục tiêu tối thiểu 75% vốn đầu tư công từ nay đến 31/1/2022 là rất khó khăn. Về phía Bộ Tài chính, ông khẳng định sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với các địa phương để giải ngân đạt hiệu quả cao nhất.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh các địa phương cần trân trọng những đồng vốn đầu tư, đặc biệt tại các tỉnh vẫn còn nghèo. Khi đầu tư công bỏ vào một đồng thì các nguồn lực trong xã hội huy động thêm mười đồng. Vì vậy, vốn đầu tư công xác định giống như vốn mồi, các địa phương cố gắng đáp ứng giải ngân nhằm tạo nền tảng kích cầu và phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, tăng GDP để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giai-ngan-von-oda-can-tinh-den-hieu-qua-cua-tung-dong-von/760833.vnp