Giải pháp bài trừ hủ tục vùng đồng bào dân tộc Dao Hoàng Su Phì

BHG - Người Dao là một trong những thành phần dân tộc chiếm đa số của huyện Hoàng Su Phì. Theo số liệu điều tra tình hình dân số, đến cuối năm 2021, toàn huyện có 13.991 người trong tổng số 69.208 khẩu của toàn huyện với 2 nhóm là Dao đỏ và Dao áo dài. Địa bàn cư trú chủ yếu ở các xã Bản Luốc, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên, Nậm Khòa và Túng Sán.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao áo dài. Ảnh: Tư liệu

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao áo dài. Ảnh: Tư liệu

Với thói quen sống quần cư và lâu đời trong bối cảnh của địa phương vùng cao, kinh tế chậm phát triển, địa bàn sinh sống cách biệt, đời sống KT-XH khó khăn, phương thức sản xuất chủ yếu là thủ công mang tính tự cấp tự túc, cộng đồng dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì đã bảo tồn, gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, thể hiện rõ nét trong ngôn ngữ, chữ viết, nhà ở, trang phục, các quy định của luật tục, mối quan hệ cộng đồng, tính cố kết dòng họ, tín ngưỡng… Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu, không phù hợp trong môi trường xã hội hiện đại. Nhất là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra khá phổ biến. Kết quả khảo sát về lĩnh vực hôn nhân gia đình của huyện Hoàng Su Phì trong 5 năm 2016 - 2020 cho thấy, có 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống, 11 trường hợp tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Dao, trong đó có nhiều trường hợp thiếu từ 3 - 4 tuổi. Các trường hợp vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình đều có sự sắp đặt của bố mẹ, bởi hai gia đình cùng đồng thuận cho con về ở với nhau trước để đợi đủ tuổi, thậm chí sau khi sinh con mới thực hiện các thủ tục về hôn nhân. Một số trường hợp mang tính chất lách luật, như con sinh ra thì đăng ký khai sinh theo họ mẹ, đợi đến khi đủ tuổi thì đăng ký lại giấy khai sinh. Tình trạng thách cưới cao mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt còn diễn ra tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của các gia đình. Trong khi đó, các thủ tục trong cưới xin, tang ma hoặc những nghi lễ liên quan đến vòng đời con người, chu kỳ mùa vụ hoặc khi gặp thiên tai, bệnh dịch vẫn được tổ chức thường xuyên với nhiều công đoạn phức tạp nên đã dẫn đến tình trạng mê tín dị đoan, cúng bói kéo dài và ăn uống linh đình, gây tốn kém cho các gia đình. Ngoài ra, việc người chết chôn gần nhà và chôn nông, hay tình trạng nuôi gia súc dưới gầm sàn của một số hộ gia đình dân tộc Dao áo dài vẫn còn tồn tại, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Thực tế cho thấy, tình trạng các hủ tục, các tập quán không còn phù hợp vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao của huyện Hoàng Su Phì, mặc dù có nguyên nhân khách quan như những khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên... Song chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, đó là một bộ phận đồng bào có trình độ dân trí thấp, hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật của người dân còn hạn chế. Công tác triển khai tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và nếp sống văn hóa chưa được vận dụng phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng...

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì nói chung và cộng đồng dân tộc Dao nói riêng từng bước đẩy lùi, tiến tới bài trừ, giảm thiểu một số các hủ tục để phù hợp với xu thế hội nhập và điều kiện phát triển và thực tế thói quen sinh hoạt của các dân tộc trên địa bàn huyện theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có cộng đồng dân tộc Dao là việc làm hết sức cần thiết.

Để làm tốt nhiệm vụ này, thiết nghĩ trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp, như: Phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian của các xã, thị trấn, nhất là các thầy cúng trong việc bài trừ các hủ tục, định hướng cho người dân thực hành tiết kiệm, giảm dần các hoạt động cúng tế. Tổ chức thí điểm các hoạt động về cải tạo, bài trừ hủ tục như khuyến khích các gia đình tổ chức Lễ Cấp sắc chung cho nhiều người mỗi lần, giảm các công đoạn trong nghi thức cưới hỏi, hạn chế việc cúng bói, trừ tà... Từng bước đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như hội trường thôn, hệ thống âm thanh, ánh sáng thực hiện việc sàng lọc, lựa chọn những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân để thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa gắn với các kỳ cuộc, các sự kiện văn hóa của cộng đồng nhằm thu hút nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa lành mạnh. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các trường học, tổ chức kiểm tra, theo dõi và đôn đốc thực hiện bảo tồn, khôi phục phát huy giá trị văn hóa, bài trừ các hủ tục một cách thiết thực, hiệu quả.

Có chế tài xử lý phù hợp đối với các trường hợp lợi dụng cúng bói để hành nghề mê tín hoặc gây lãng phí; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy ước thôn bản, các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Mặc dù quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, song dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan, các ngành, đoàn thể và cả cộng đồng, việc bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc Dao của huyện chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202205/giai-phap-bai-tru-hu-tuc-vung-dong-bao-dan-toc-dao-hoang-su-phi-4ba7157/