Giải pháp bảo vệ lúa hè thu

Lúa gạo được xác định là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh, với diện tích gieo trồng hằng năm trên 110.000 ha và sản lượng lúa khoảng 500.000 tấn. Là 1 trong 2 mùa vụ chính, vụ lúa hè thu hằng năm toàn tỉnh gieo sạ khoảng 35.000 ha, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tuy nhiên, đây cũng là vụ lúa phải đối diện với nhiều rủi ro từ thiên tai, nhất là tình trạng mưa lớn, kèm dông gây đổ ngã và ngập úng.

Trà lúa hè thu của nông dân xã Khánh Bình Ðông đang phát triển tốt.

Trà lúa hè thu của nông dân xã Khánh Bình Ðông đang phát triển tốt.

Tiêu biểu như mùa vụ năm 2024, những đợt mưa lớn kéo dài và dông gây ra ngập úng cục bộ nhiều nơi, đã làm thiệt hại hơn 940 ha lúa. Hay như năm 2023, trong khoảng 30.752 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, cây lâm nghiệp, rau màu, chuối, nuôi trồng thủy sản, thì diện tích bị thiệt hại là 6.302 ha do mưa dông. Năm 2022, mưa dông làm ngập, đổ ngã ít nhất 2.800 ha lúa hè thu ở huyện Trần Văn Thời, địa phương phải tập trung huy động lực lượng chống úng; huy động lao động, máy móc thiết bị hỗ trợ người dân thu hoạch nhanh nhằm giảm thiệt hại...

Có thế mạnh canh tác lúa với diện tích gieo trồng hằng năm trên 60.000 ha, hiện nay, huyện Trần Văn Thời đang tham gia thực hiện 8.129 ha tại 19 ô khép kín, trong Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện, trong những năm qua, huyện luôn tập trung chỉ đạo sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất như: lúa an toàn, lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", VietGAP... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Huyện Trần Văn Thời cần đầu tư xây dựng thêm 13 trạm bơm tuyến đê bao ngoài của vùng ngọt hóa để phục vụ sản xuất, nhất là bơm thoát nước chống ngập khi mưa lớn cục bộ.

Huyện Trần Văn Thời cần đầu tư xây dựng thêm 13 trạm bơm tuyến đê bao ngoài của vùng ngọt hóa để phục vụ sản xuất, nhất là bơm thoát nước chống ngập khi mưa lớn cục bộ.

“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong tổ chức sản xuất lúa gạo là phụ thuộc vào thời tiết. Mùa mưa thường xuyên ngập úng cục bộ, mùa khô nguy cơ xảy ra thiếu nước ngọt. Hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ yêu cầu tưới tiêu chủ động chưa đồng bộ; hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa... phục vụ sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện cần đầu tư hệ thống công trình khép kín tiểu vùng điều tiết nước phục vụ sản xuất, nhất là khoanh ô thủy lợi hoàn chỉnh quy mô từ 300-500 ha để chủ động trong sản xuất; đầu tư xây dựng 13 trạm bơm điện tuyến đê bao ngoài của vùng ngọt hóa để phục vụ sản xuất, nhất là bơm thoát nước chống ngập khi mưa lớn cục bộ”, ông Toàn chia sẻ.

Hiện đang bắt đầu vào mùa mưa, theo dự báo của Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa từ tháng 5-9/2025 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%, sang tháng 10-12 phổ biến ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Ðồng thời, từ tháng 7 mực nước bắt đầu lên cao dần và đạt giá trị cao nhất vào tháng 11, 12.

Từ dự báo của Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, có thể thấy mùa mưa trên địa bàn tỉnh trùng với khoảng thời gian triều cường nước dâng nên tình trạng ngập úng cục bộ rất dễ xảy ra. Ðể giảm thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Môi trường có thông báo hướng dẫn lịch thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa cho vụ hè thu năm nay. Cụ thể, xuống giống đợt 1 bắt đầu từ ngày 20/4-10/5, trước khi mùa mưa thực sự bắt đầu, để thu hoạch vào thời điểm từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9; đối với vùng đất gò cao, vùng không có hệ thống đê bao khép kín dự trữ được nước ngọt tại chỗ và đất phải được cày ải, ít cỏ dại, lúa rài, lúa cỏ, ít bị nhiễm phèn mặn, thoát nước tốt. Ðối với những vùng đất địa hình từ trung bình đến trũng thấp, có hệ thống đê bao khép kín dự trữ được nước ngọt tại chỗ thì xuống giống đợt 2, từ ngày 10/5-20/6 để thu hoạch thời điểm từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10.

Ðể tổ chức tốt sản xuất vụ hè thu năm 2025, theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương cần thường xuyên cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để điều chỉnh lịch thời vụ cụ thể, bố trí sản xuất và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, tiểu vùng, nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, bà con nên chọn giống lúa nhóm A đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống chống chịu sâu bệnh, phèn mặn, năng suất chất lượng cao, phù hợp điều kiện canh tác địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể như: OM18, OM5451, OS20, HP1, Camau1, Hương Châu 6... hay nhóm giống lúa thơm đặc sản là ST24, ST25, Ðài thơm 8, Thơm RVT...

Vụ lúa hè thu là 1 trong 2 vụ mùa chính của vùng ngọt hóa, song thường xuyên phải đối diện với rủi ro thiệt hại do mưa lớn cục bộ và dông. Do đó, việc tuân thủ đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa được khuyến cáo là một trong những giải pháp để bảo vệ vụ lúa hè thu, trước mắt là vụ hè thu năm nay đang trong thời điểm canh tác.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giai-phap-bao-ve-lua-he-thu-a39133.html