Giải pháp căn cơ cho ngành Công Thương 'chắc chân' trước biến động thị trường

Tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp cũng như bối cảnh trong nước chưa thực sự ổn định sẽ tác động đến ngành Công Thương trong ngắn và dài hạn.

Nhiều yếu tố tác động

Theo phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, còn nhiều yếu tố bất lợi tác động tới ngành Công Thương.

Cụ thể với sản xuất công nghiệp, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất và chi phí vận tải của các doanh nghiệp trong nước. Chi phí sản xuất cao sẽ làm tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nguy cơ bị tấn công đối với các tàu hàng khi đi qua các tuyến đường biển trọng yếu (biển Đỏ, vùng Vịnh,...) cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng quan trọng, bao gồm cả nguyên liệu phục vụ sản xuất. Do đó, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hoặc giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Xung đột tại Bangladesh sẽ khiến nhiều nước nhập khẩu gấp rút tìm kiếm nguồn cung thay thế và với lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận tìm kiếm các đơn hàng sản xuất.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nguy cơ đứt gãy nguồn cung. Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nguy cơ đứt gãy nguồn cung. Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang xin ý kiến, trong đó có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng về mức 8% nếu được thông qua sẽ tạo ra những động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó khuyến khích đầu tư và thúc đẩy sản xuất.

Mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm công trình Đường dây 500 kV mạch 3 sẽ tạo ra động lực cho sản xuất phát triển bằng việc tăng nguồn cung điện cho miền Bắc, phục vụ nguồn điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Đối với thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phân tích rõ, xung đột địa chính trị tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Đây là một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng đó, Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá, Ủy ban châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam là những diễn biến không thuận lợi cho xuất khẩu của nước ta sang các thị trường này. Doanh nghiệp và các cơ quan chức năng không chỉ phải chuẩn bị hồ sơ phục vụ điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, mà những động thái này còn tác động trực tiếp đến quy mô và sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp

Trong nước, nhu cầu của thị trường nội địa tăng trưởng sẽ là động lực cho nền kinh tế, đặc biệt vào thời điểm từ nay đến cuối năm do tính chất mùa lễ hội, kỳ vọng là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước phát triển.

Giải pháp ứng phó

Qua phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương có thể thấy, ngành Công Thương tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Cho dù thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc nhưng với độ mở lớn, nền kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều rủi ro trước biến động thị trường.

Để sản xuất công nghiệp, thương mại trong nước ‘chắc chân’ trước biến động thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đề xuất nhiều giải pháp căn cơ.

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến nghị nhiều giải pháp giúp ngành Công Thương ứng phó với biến động thị trường. Ảnh minh họa

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến nghị nhiều giải pháp giúp ngành Công Thương ứng phó với biến động thị trường. Ảnh minh họa

Trong đó, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình kích cầu. Áp dụng giải pháp về thuế, tín dụng tiêu dùng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, việc đề xuất các phương án giảm thuế giá trị gia tăng và đưa Luật Giá vào cuộc sống sẽ góp phần bình ổn giá cả hàng hóa.

Hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác quốc tế để ứng dụng và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhằm tranh thủ tìm kiếm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh mới. Thường xuyên bám sát và theo dõi diễn biến tại các thị trường truyền thống, thị trường trọng điểm để có thể kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó với những biến động về chính trị, xã hội và những điều chỉnh về chính sách (nếu có) của các nước này.

Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, bao gồm dự án 500 kV mạch 3 và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại.

Cơ quan hữu quan cung cấp bổ sung nhiều lập luận về việc đáp ứng đầy đủ sáu tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ để tiếp tục đề nghị phía Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc phối hợp mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tiếp tục phát huy vai trò của các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác đầu tư với nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp trong thương mại quốc tế.

Đối với việc Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tháp gió, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu tháp gió sang Hoa Kỳ cần liên hệ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 58,24%.

Đối với kế hoạch điều tra chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc), Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này cần nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu và hợp tác đầy đủ, toàn diện với bên khởi xướng điều tra để cung cấp thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định; thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giai-phap-can-co-cho-nganh-cong-thuong-chac-chan-truoc-bien-dong-thi-truong-341617.html