Giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt hơn nữa để không lãng phí trách nhiệm, niềm tin

'Lãng phí trách nhiệm' đang ngày càng phổ biến ở các cấp, các ngành. Chuyện không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc phải làm đã gây trì trệ cho biết bao công việc lớn, nhỏ trong bộ máy hành chính nhà nước, gây lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ rõ thực trạng này tại phiên họp toàn thể hôm qua, các đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm thấu đáo tới loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt hơn nữa.

Thực thi chính sách “đầu voi, đuôi chuột” chính là lãng phí

Chuyên đề giám sát tối cao Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tại Kỳ họp thứ Tư lần này được các đại biểu Quốc hội khẳng định là đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là chuyên đề giám sát có quy mô lớn, như đánh giá của ĐBQH Siu Hương (Gia Lai), nếu những cuộc giám sát trước đây chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, một số nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương, thì giám sát lần này trải rộng từ Trung ương đến địa phương. Phạm vi giám sát liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tổ chức bộ máy, hoạt động tư pháp... Nói cách khác, giám sát chuyên đề lần này đã "xâu chuỗi" hầu hết các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh trong đời sống xã hội. Với sự triển khai quyết liệt và đồng bộ của Quốc hội, Đoàn giám sát đã nhận được 580 văn bản, báo cáo cùng hệ thống các phụ lục "khổng lồ", khoảng 100 nghìn trang tài liệu. Những giải pháp, kiến nghị của Đoàn giám sát là rất hoàn chỉnh, thậm chí có ý kiến cho rằng, Đoàn giám sát đã lượng hóa được sự lãng phí. Thông qua giám sát tiếp tục nêu cao giá trị của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhận định giám sát tối cao của Quốc hội lần này "cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô lớn đối với lĩnh vực công", ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho biết, nhiều "đại án" trong những năm qua khiến chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn. Ngoài việc quy kết hành vi tham nhũng, thì quy kết hành vi gây thất thoát, lãng phí còn khó khăn, hạn chế. Trong đó không thể không kể đến nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ, lãnh đạo khi đưa ra những quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường. Điển hình là hoạt động đầu tư nước ngoài, hợp tác với nước ngoài thua lỗ, kém hiệu quả qua những con số được chỉ ra lần này phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó là, giai đoạn 2016 - 2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát lãng phí; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Trong đó, lĩnh vực đầu tư công được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Trần Quang Minh nêu quan điểm, dù các chủ trương đưa ra là đúng đắn, hợp lý, nhưng khi triển khai thực hiện lại mang yếu tố chủ quan dẫn đến kém hiệu quả, gây lãng phí tài sản, nguồn lực, mất niềm tin trong nhân dân. Điển hình là việc sử dụng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản - một chính sách nhân văn, mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với các ngư dân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, nhưng đến khi thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến thua lỗ kéo dài. Hiện, các ngân hàng thương mại đã tiến hành thanh lý các tàu với giá rất thấp, chỉ bằng 10% giá trị ban đầu, nhiều ngư dân đã trở thành "con nợ" sau vài chuyến đi biển. "Lãng phí ở đây chính là chính sách chưa đi tới nơi, tới chốn. Thực thi chính sách còn ở tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, đem lại sự khó khăn cho chính đối tượng được hưởng lợi từ chính sách", đại biểu Trần Quang Minh thẳng thắn.

Cùng chia sẻ mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết thêm, khu vực công đang lãng phí nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư. Mặc dù công tác tham mưu, ban hành văn bản pháp luật và các văn bản có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm, chú trọng, từng bước được nâng cao, nhưng chúng ta vẫn chứng kiến sự thất thoát, lãng phí từ nợ đọng thuế, thất thu thuế, cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ mà trong báo cáo và các phụ lục đã nêu rất chi tiết.

Cho rằng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân và trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu vấn đề: Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí công là lối sống ích kỷ, thực dụng sẽ dẫn đến con người chỉ quan tâm đến quyền lợi vật chất của cá nhân, không vì cái chung, không vì tập thể. Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi phải đặt lợi ích của cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, hợp lý mọi tài sản công.

Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân

Lãng phí hữu hình nếu như có thể định lượng được bằng những con số, chỉ ra, đo đếm được, thì lãng phí vô hình có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều. Chỉ rõ thực tế này, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) thẳng thắn, "lãng phí trách nhiệm" đang trở nên phổ biến ở các cấp, các ngành cũng như một bộ phận không nhỏ các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Sự lãng phí này đã và đang gây sụt giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, trong thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Dẫn câu chuyện cụ thể về việc các bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ, khiến cho một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động của các bệnh viện công lập cũng là đổi mới ngành y tế có thể không thực hiện được đúng lộ trình, đại biểu Trần Hữu Hậu nhận thấy, rất nhiều phản ánh không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện công đã làm ảnh hưởng lớn tới việc khám, chữa bệnh cho hàng triệu người dân. Chuyện không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ cho biết bao công việc lớn, nhỏ trong bộ máy hành chính nhà nước, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Ở một góc độ nào đó, người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khẳng định đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng theo đại biểu Trần Hữu Hậu, phần đông những người như vậy đều có lương tâm, trách nhiệm - chỉ có điều, tinh trần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí, gây ra lãng phí không đo đếm được cho xã hội, cho đất nước.

Tiêu cực, yếu kém, trì trệ đang ngày càng phổ biến, mà lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà có nguyên nhân thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị, để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên thì không chỉ dừng ở việc xử lý những người gây ra lãng phí, mà cần phải cải tổ bộ máy, phương thức vận hành của bộ máy đó. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm thấu đáo loại “lãng phí trách nhiệm” này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, không để kéo dài tình trạng lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản, tài nguyên vô giá đối với sự phát triển của đất nước.

Cho rằng tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành văn hóa, ý thức của quốc gia, dân tộc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người. Đưa giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí vào trong nhà trường, thực hiện một cách đồng bộ, để tiết kiệm trở thành lối sống, phẩm chất của mỗi cá nhân.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/giai-phap-can-co-hanh-dong-quyet-liet-hon-nua-de-khong-lang-phi-trach-nhiem-niem-tin-i305454/