Giải pháp chống hiện tượng tự đứt dây bọc trung áp

Lưới điện trung áp tỉnh Quảng Trị đã triển khai sử dụng dây bọc trung áp từ năm 2002. Tuy nhiên, qua thời gian vận hành dây bọc trên lưới điện đã xuất hiện nhiều vụ 'tự đứt dây'. Khi sự cố xảy ra, ngoài mất điện gây thiệt hại kinh tế còn nguy hiểm cho người dân sống dưới đường dây, nhất là ở những nơi mật độ dân cư lớn như trường học, khu chợ, các trục giao thông...

 Cố định dây bằng dây buộc cổ sứ dạng giáp níu

Cố định dây bằng dây buộc cổ sứ dạng giáp níu

Qua nghiên cứ thực tế, thường xuyên kiểm tra đánh giá tình trạng vận hành của dây bọc trung áp, cán bộ kĩ thuật ngành điện đã tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tự dứt dây bọc thường xuất hiện phía sau dây buộc cổ sứ (đối với đường dây sử dụng cách điện gốm và dây buộc cổ sứ) hoặc có lực cơ giới đường dây nên dây buộc định hình và dây dẫn thường bị cọ xát liên tục. Tại đây xuất hiện hiện tượng phân cực điện dung và dần hình thành sự phóng điện qua các lớp cách điện nằm giữa dây buộc định hình và dây dẫn. Mặt khác dây dẫn được làm bằng nhôm có đặc tính hóa học yếu, khi lớp cách điện bị tổn thương sẽ xuất hiện hiện tượng phóng điện và “dòng điện điện phân” liên tục đi qua điểm phóng điện làm mủn mặt cắt dây nhôm tại vị trí phóng điện nên chỉ cần sau một thời gian sử dụng là có thể đứt dây dẫn...

Nhằm hạn chế được các mối nguy cơ làm tổn thương lớp XLPE của dây bọc, các cán bộ kĩ thuật của PC Quảng Trị đã nghiên cứu sử dụng giải pháp vô cổ sứ bằng phụ kiện “kẹp cáp đầu sứ” và “dây buộc cổ sứ dạng giáp níu” nên đã khắc phục được các hiện tượng mà giải pháp dây buộc cổ sứ định hình mắc phải. Sau quá trình nghiên cứu, hiệu chỉnh phụ kiện dây kẹp dây đầu sứ, dây buộc cổ sứ dạng níu PC Quảng Trị đã triển khai áp dụng thử nghiệm từ tháng 7/2018 ở 5 vị trí tại xuất tuyết 476 trạm 110kV Quán Ngang. Qua quá trình theo dõi đánh giá giải pháp cho thấy đã đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật đề ra, chịu đựng được điều kiện khí hậu trên địa bàn và có khả năng áp dụng rộng rãi. Vì thế PC Quảng Trị quyết định áp dụng giải pháp này cho 2 tuyến đường dây 476 Quán Ngang và 478 Quán Ngang bởi 2 tuyến đường dây này xuất hiện nhiều hiện tượng phóng điện và có nguy cơ đứt dây bọc. Quá trình áp dụng giải pháp trên thực tiễn đã mang lại hiệu quả thực tế về mặt kĩ thuật là không còn hiện tượng phóng điện dây buộc cổ sứ định hình; lớp cách điện XLPE không còn nguy cơ tổn thương do cọ xát vào dây buộc cổ sứ; chấm dứt nguy cơ tự đứt dây bọc. Hiệu quả về xã hội là đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành dây bọc trung áp và hạn chế nguy hiểm cho người và động vật qua lại dưới đường dây.

Do vậy, giải pháp dây bọc đã mang lạ hiệu quả do có những ưu điểm là làm tăng độ an toàn lưới điện; tạo thuận lợi cho thiết kế đường dây hai, ba mạch, giảm nguy cơ sự cố khi có vật lạ rơi vào đường dây như động vật, dây diều, cành cây, thanh kim loại… dễ thi công trong những địa hình phức tạp, có nhiều cây cao, nhà cửa… vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện cao áp. Với những đặc tính ưu việt của giải pháp nên PC Quảng Trị đã liên tục áp dụng vào thực tiễn. Tính đến nay khối lượng dây bọc trung áp trên lưới điện Quảng Trị là 393km chiếm gần 20% tổng khối lượng đường dây trung áp đang vận hành.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144231