Giải pháp chống ô nhiễm không khí: Cần sớm kiểm kê khí thải để 'trị đúng bệnh'

Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết ô nhiễm không khí, là Việt Nam cần thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải; siết chặt quy chuẩn khí thải từ giao thông.

Ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là bụi mịn tại các đô thị lớn ở Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng. Trong 10 năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu cũng đã tìm ra được nguyên nhân - các nguồn thải gây ô nhiễm không khí, thế nhưng cho đến nay, việc giải quyết vẫn chưa thực sự có sự chuyển biến tích cực, thậm chí bế tắc.

Trước thực tế trên, tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 24-25/4, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần kiểm kê khí thải từ các nguồn đã được xác định gây ô nhiễm, để tìm ra “thủ phạm chính,” trên cơ sở đó có giải pháp mạnh để xử lý, cũng như “trị đúng bệnh.”

“Ma trận” nguồn thải gây ô nhiễm

Ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết các kết quả theo dõi những thông số từ quan trắc không khí, cho thấy ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5).

Đáng chú ý, giai đoạn gần đây, mức độ ô nhiễm tiếp tục gia tăng khi nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, cũng như khuyến cáo của WHO.

Nhiều năm qua, ô nhiễm không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kéo dài tới tháng Tư năm sau), tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

Về các nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí, theo ông Nam là do hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động công nghiệp, hoạt động đốt mở (đốt rác, rơm rạ, đốt sinh khối), hoạt động dân sinh, khí hậu thời tiết.

Cụ thể, đối với hoạt động giao thông, theo nghiên cứu của WB trong giai đoạn 8/2019-7/2020, có 12% lượng bụi mịn PM2.5 là do phát thải trực tiếp từ giao thông; 18% là từ phần thứ cấp vô cơ hình thành từ khí tiền chất (trong đó có giao thông); 17% do bụi đường bị cuốn lên. Đối với nguồn ô nhiễm từ hoạt động xây dựng, theo mô hình tiếp nhận sử dụng dữ liệu từ WB, bụi cuốn lên (gồm bụi đường, bụi từ xây dựng, bụi từ ximăng…) đóng góp 17% vào nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.

Về nguyên nhân từ hoạt động công nghiệp, theo báo cáo của WB năm 2022, nguồn công nghiệp chiếm 29% lượng phát thải bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.

Đối với hoạt động đốt mở, đóng góp vào phát thải PM 2.5: Hà Nội đốt rơm rạ đóng góp 26% lượng phát thải PM2.5; đốt sinh khối tại Bắc Ninh chiếm 29%, Hưng Yên chiếm 32%. Giai đoạn quan trắc nghiên cứu từ 8/2019-7/2020, theo mô hình tiếp cận từ dữ liệu WB, đốt sinh khối tại Hà Nội đóng góp 19% vào nồng độ PM2.5.

Ngoài ra, đại diện Cục Môi trường cho biết nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động dân sinh hiện đóng góp khoảng 5% vào tổng lượng phát thải bụi mịn PM2.5.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, cũng dẫn kết quả khảo sát nghiên cứu năm 2021, cho biết tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố có chất lượng không khí đạt chuẩn QCVN 05:2013 (25µg/m3).

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Đáng chú ý, không tỉnh, thành phố nào có chất lượng không khí đạt mức quy chuẩn của WHO (5µg/m3). Sự ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nồng độ bụi PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.

Những giải pháp cần sớm triển khai

Trước tình trạng đáng lo ngại về ô nhiễm không khí, Phó Cục trưởng Cục Môi trường Lê Hoài Nam đề xuất 6 giải pháp trọng tâm cần làm ngay. Thứ nhất là cần thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải.

Tiếp hai là cơ quan quản lý, các địa phương siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi phương tiện xanh, không phát thải; sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, phương tiện công cộng.

“Trước mắt, tiêu chuẩn khí thải trong giao thông đang được siết chặt. Cục Môi trường đang xem xét xây dựng quy chuẩn khí thải cụ thể cho xe ôtô, xe gắn máy để sớm ban hành; thiết lập các khu vực hạn chế xe cá nhân trong giờ cao điểm, nhất là tại các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố, qua đó nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm,” ông Nam nhấn mạnh.

Thứ ba là cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống quan trắc môi trường.

Giải pháp thứ tư là các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp). Thứ năm là tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chất lượng môi trường không khí.

Cùng với đó, giải pháp thứ sáu là các cơ quan chuyên môn cần rà soát, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến chất lượng không khí, trong đó cần xây dựng Luật không khí.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, để ngăn chặn ô nhiễm không khí, việc kiểm kê khí thải, nhất là khí thải từ hoạt động giao thông, đóng vai trò rất quan trọng, được xem như một công cụ “chẩn đoán” để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.

“Thông qua việc thu thập và phân tích số liệu về các nguồn phát thải, lượng phát thải trong từng khu vực, công tác kiểm kê sẽ giúp theo dõi xu hướng phát thải theo thời gian, từ đó xây dựng bản đồ phát thải phục vụ quản lý hiệu quả,” ông Bằng nói.

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng để đảm bảo tính hiệu quả cho các giải pháp trên, Việt Nam cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, đặc biệt là phải đưa vào quy chế của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ, nhất quán.

Cùng với đó, việc quản lý chất lượng không khí cần dựa trên các công cụ khoa học - kỹ thuật để xác định nguyên nhân ô nhiễm, cũng như tăng cường sự kết nối giữa các nhà khoa học, hướng tới mục tiêu chung vì một môi trường không khí trong lành.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng cho rằng giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là rất quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mặc dù việc giải quyết tác động của ô nhiễm không khí rất quan trọng nhưng cũng phải ưu tiên hành động để giải quyết các nguồn gây ra ô nhiễm không khí.

Vì vậy, đại diện UNDP kêu gọi các bên liên quan bao gồm các cơ quan Chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế, địa phương và người dân cùng đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-chong-o-nhiem-khong-khi-can-som-kiem-ke-khi-thai-de-tri-dung-benh-post1034937.vnp