Giải pháp để thông tuyến cao tốc Bắc Nam vào cuối 2025?

Hiện nay nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đăng kí về đích từ 3 - 6 tháng, tuy nhiên, hiện vẫn còn 1 số dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Vậy để đưa các dự án này về đích vào cuối năm 2025, các giải pháp nào đang được tập trung triển khai?

Trong đó phải kể đến 2 dự án khu vực Tây Nam bộ là Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau và dự án Chí Thạnh – Vân Phong đang gặp nhiều khó khăn về vật liệu và nền đất yếu; một số dự án thì vướng mắc cục bộ về mặt bằng hoặc địa chất khó khăn. Vậy để đưa các dự án này về đích vào cuối năm 2025, đảm bảo thông suốt toàn tuyến từ Bắc vào Nam và vào Tây Nam bộ, các giải pháp nào đang được tập trung triển khai?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) xung quanh nội dung này.

PV: Hiện nay, còn một số dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đang phải đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ, đặc biệt là dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong tổng số 12 dự án thành phần phải nói là ngoài 2 dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau gặp khó khăn nhất về vấn đề nguồn vật liệu thì cũng phải kể đến dự án Chí Thạnh – Vân Phong do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án thành cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đăng kí về đích từ 3-6 tháng, tuy nhiên hiện vẫn còn 1 số dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Nhiều dự án thành cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đăng kí về đích từ 3-6 tháng, tuy nhiên hiện vẫn còn 1 số dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Dự án này ngoài việc thủ tục cấp phép mỏ vật liệu triển khai chậm, thì tại các mỏ này đất lẫn đá rất nhiều, việc tổ chức khai thác gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong mùa mưa, khi đất lẫn đá mồ côi, đá lăn đá tảng và thậm chí là không khai thác được trong mùa mưa, bởi vì nó liên quan đến vấn đề an toàn xe máy, thiết bị cũng như là lực lượng công nhân tham gia.

Vì thế 3 dự án này là 3 dự án khó khăn nhất, trong khi đó cả 3 dự án đều phải xử lý nền đất yếu, với thời gian gia tải kéo dài.

Để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu nghiên cứu các giải pháp để rút ngắn thời gian chờ lún, bằng cách là các đoạn đủ điều kiện ổn định thì tăng thêm tải trọng để rút ngắn thời gian chờ lún, cũng như là nghiên cứu thêm một số các cái giải pháp xử lý kỹ thuật để hoàn thành đồng bộ vào cuối năm 2025.

Hiện nay các đơn vị đang tổ chức triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

PV: Ngoài khó khăn về vật liệu đất đắp, tại 2 dự án khu vực miền Tây Nam bộ là Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và dự án Chí Thạnh – Vân Phong còn gặp khó khăn về nền đất yếu. Để về đích kịp tiến độ vào cuối năm 2025, việc xử lý nền đất yếu tại một số đoạn đang sử dụng phương pháp bơm hút chân không, ông có thể cho biết cụ thể hơn phương pháp này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Một số đoạn tuyến trong dự án từ Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau do công suất cát không đáp ứng được yêu cầu, nên chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai thí điểm phương án bơm hút chân không, thoát nước cấu kết và rút ngắn thời gian chờ lún.

Gần như sau khi hút chân không chúng ta không cần chờ lún nữa mà có thể đắp nền đường được ngay, với giải pháp này nó giãn được tiến độ cát – khối lượng cát để hoàn thành công tác gia tải sẽ giảm đi.

Những đoạn chuyển sang bơm hút chân không thì không phải chờ lún nên không có thêm các áp lực về nguồn cát. Thông thường đối với các đoạn nền đất yếu xử lý bằng bấc thấm thì thời gian gia tải từ 8-10 tháng, đối với phương pháp bơm hút chân không thì sau khoảng 3 tháng sẽ tắt lún, phương pháp này triển khai ở những đoạn thiếu cát bởi chi phí nó đắt hơn từ 1,2-1,3 lần so với xử lý bằng bấc thấm.

PV: Được biết đến nay vấn đề mặt bằng tại các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 1 tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên để không cản tiến độ về đích các dự án này, Bộ GTVT đang có những biện pháp gì nhằm phối hợp với các địa phương tháo gỡ nút thắt này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các địa phương thì phải nói vấn đề giải phóng mặt bằng cho cái dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc tại một số các vị trí cục bộ, mặc dù nó không lớn nhưng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công các dự án.

Đối với những vị trí này, Bộ GTVT đã tập trung làm việc với các địa phương, cũng như tham mưu cho Thủ tướng CP chỉ đạo, yêu cầu các địa phương rốt ráo để giải quyết, xử lý. Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực triển khai, cố gắng hoàn thành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những vị trí này nhỏ cho nên chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu phối hợp địa phương để sẵn sàng vật tư, vật liệu, máy móc, con người khi mà địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng xong tập trung thi công ngay.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hoàng Hà/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-phap-de-thong-tuyen-cao-toc-bac-nam-vao-cuoi-2025-post1154417.vov