Giải pháp điều trị khi số F0 diễn biến nặng tăng cao

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, việc mở rộng số giường hồi sức sẽ tăng khả năng chịu đựng của ngành y tế khi dịch bùng phát cùng lượng bệnh nhân lớn.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn luôn là "tiền tuyến" của ngành y tế khu vực phía Bắc khi tiếp nhận, điều trị các F0 có diễn biến rất nặng và nguy kịch từ nhiều địa phương lân cận.

Trong các vụ dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương hay làn sóng bắt đầu hồi tháng 4 vừa qua, cơ sở y tế này đến nay đã tiếp nhận gần 4.000 trường hợp mắc Covid-19. Thời gian gần đây, khi số ca mắc Covid-19 trên cả nước có xu hướng tăng trở lại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng là cơ sở liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết cơ sở y tế này đã có kế hoạch mở rộng giường hồi sức và phương án hỗ trợ các địa phương trong việc điều trị, đặc biệt với bệnh nhân diễn biến nặng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ông cũng nhận định giải pháp cho F0 điều trị tại nhà sẽ là lựa chọn mang đến hiệu quả lớn nếu hệ thống y tế đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết.

Cân nhắc về 2 mặt của điều trị F0 tại nhà

- Trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục tăng cao gây nguy cơ quá tải hệ thống y tế, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai điều trị F0 tại nhà?

- Trong cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo rất rõ ràng việc điều trị F0 tại nhà phải đảm bảo tất cả bệnh nhân được chăm sóc y tế và kiểm soát. Cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà không đồng nghĩa với việc để người dân tự do trong cộng đồng, không được chăm sóc và theo dõi.

Do đó, khi triển khai điều trị F0 tại nhà, khối lượng công việc dành cho hệ thống y tế cơ sở sẽ tăng lên rất lớn. Nếu hệ thống y tế cơ sở đủ năng lực, đảm bảo hỗ trợ y tế tốt, việc chăm sóc hậu cần đáp ứng nhu cầu, bệnh nhân Covid-19 sẽ được hưởng lợi ích và điều trị tối ưu.

Ngoài ra, điều kiện về nhà ở, hạ tầng nơi F0 cách ly, điều trị cũng phải đảm bảo không gây lây nhiễm trong gia đình và nội khu phong tỏa. Hệ thống cấp cứu 115 cũng phải đảm bảo được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế kịp thời nếu có diễn biến nặng.

 Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngược lại, nếu y tế địa phương không đảm bảo được chất lượng theo dõi, chăm sóc F0 tại cộng đồng, không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong gia đình hay nội khu phong tỏa, số lượng F0 sẽ tăng lên rất nhanh. Đi kèm với đó là số lượng bệnh nhân diễn biến nặng cũng tăng nhanh. Hậu quả là tình trạng quá tải bệnh viện, hệ thống hồi sức tất yếu sẽ xảy ra, đi ngược lại với mục tiêu điều trị F0 tại cộng đồng để giảm tải cho cơ sở y tế.

Mọi vấn đề đều có 2 mặt. Ở thời điểm này, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng điều kiện hiện có và hậu quả để đưa ra hướng xử lý phù hợp.

Nhiều người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm đủ vaccine diễn biến nặng

- Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tình hình điều trị Covid-19 tại bệnh nhân ở thời điểm hiện tại như thế nào?

- Chúng tôi hiện điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân Covid-19. Khi số lượng người mắc Covid-19 tăng lên nhanh như thời điểm này, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân diễn biến nặng hoặc có bệnh nền. Do đó, toàn bộ 500 F0 này đều là trường hợp diễn biến nặng, phức tạp.

Trong số này, khoảng 100 bệnh nhân có tổn thương phổi nặng, cần hỗ trợ oxy từ HFNC (oxy dòng cao), thở máy hay ECMO (tim phổi nhân tạo).

 Nhân viên y tế tại khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Việt Linh.

Nhân viên y tế tại khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Việt Linh.

Đa số bệnh nhân đến nay đều được kiểm soát tốt tình hình, trừ một số trường hợp rất lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền quá nặng. Một số nhóm bệnh nhân được chuyển từ cơ sở y tế khác tới, đang điều trị bệnh lý nền và lại mắc thêm Covid-19 nên tình hình khá phức tạp.

- Trước tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có kế hoạch đáp ứng như thế nào? Có gặp phải khó khăn nào hay không?

- Chúng tôi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai 500 giường hồi sức tích cực. Do đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang nỗ lực cải tạo tầng và bổ sung trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để sẵn sàng cho phương án này.

Mục đích của việc tăng số giường hồi sức tích cực là nâng cao khả năng chịu đựng của ngành y tế với các phạm vi dịch.

Với Covid-19, dù độ bao phủ vaccine trong cộng đồng cao, chúng ta vẫn phải đối diện với tỷ lệ diễn biến nặng nhất định. Khi chưa tiêm vaccine, tỷ lệ này là khoảng 20%. Sau khi bao phủ vaccine, con số này có thể giảm xuống dưới 10%.

Chúng ta mở rộng năng lực hồi sức đồng nghĩa với việc mở rộng khả năng đáp ứng với tổng số bệnh nhân nhiễm virus. Ví dụ, trước đây khi có khoảng 10.000 ca mắc, thành phố đã phải phong tỏa và giãn cách xã hội để bảo vệ hệ thống điều trị. Nay khi mở rộng số giường hồi sức, chúng ta có thể sẵn sàng đối mặt với tình huống ghi nhận hàng trăm nghìn ca mà không phải phong tỏa, giãn cách xã hội. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống vẫn được duy trì ngay cả khi có dịch.

Tăng số giường hồi sức tích cực là nâng cao khả năng chịu đựng của ngành y tế với các phạm vi dịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tổ chức tập huấn, đào tạo cho các bác sĩ ở nhiều địa phương khác nhau để khi dịch xảy ra, chúng ta sẵn sàng một lực lượng lớn có khả năng đảm đương việc điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, cần hồi sức.

Chúng tôi cũng xây dựng sẵn các nhóm y bác sĩ để sẵn sàng hỗ trợ một số địa phương khi cần. Mỗi nhóm sẽ phụ trách một địa phương để hỗ trợ trực tiếp cũng như từ xa, đảm bảo các tỉnh, thành phố nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong công tác điều trị và chống dịch.

Trong quá trình thực hiện, bệnh viện được xây dựng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nên cơ sở hạ tầng được đảm bảo đầy đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, về mặt nhân lực, khi triển khai kế hoạch cho 500 bệnh nhân hồi sức ở thực tế, chúng tôi cần phải có sự nâng cấp về hạ tầng và nhân lực tăng cường.

Các trang thiết bị cũng gặp vấn đề tương tự. Trước đây, bệnh viện chỉ có khoảng 100 máy thở. Do đó, để chuẩn bị cho phương án 500 giường hồi sức, chúng tôi cũng phải nhanh chóng bổ sung máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi cũng như các thiết bị khác.

- Bệnh viện đã có hướng giải quyết cụ thể nào cho những vấn đề khó khăn này chưa?

- Đối với vấn đề nhân lực, trước đây, việc vận hành thở máy là trong phạm vi xử lý của các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực và khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi yêu cầu y bác sĩ của tất cả khoa, phòng đều phải luân vòng qua 2 khoa nói trên. Trong tương lai, những bác sĩ này cũng đều phải vận hành thở máy và điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch cùng các bác sĩ, điều dưỡng hồi sức.

Mặt khác, chúng tôi cũng triệu tập nhiều đoàn y bác sĩ từ các địa phương về để đào tạo. Họ sẽ cùng làm việc với các bác sĩ của bệnh viện, thông qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình điều trị. Chúng tôi cũng có thể sửa được những trục trặc nhân viên y tế dễ mắc phải như phòng hộ không an toàn, nguy cơ lây nhiễm...

Sau quá trình đào tạo, khả năng đáp ứng của các địa phương cũng được nâng cao hơn. Ngưỡng để các tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp hạn chế khi chống dịch cũng sẽ được nâng lên, từ đó duy trì an sinh xã hội của người dân khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19.

Về vấn đề trang thiết bị, chúng tôi đang triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống oxy đến tất cả giường bệnh. Vì bệnh viện vẫn đang điều trị cho các bệnh nhân tại đây nên cần khoanh từng vùng để thi công. Dự kiến trong khoảng vài tuần tới, chúng tôi sẽ đáp ứng đầy đủ 500 vị trí để có thể triển khai giường hồi sức.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh người dân trong cộng đồng, những bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội, Nhi, người cần phẫu thuật, thai phụ hoặc cần chạy thận nhân tạo cũng có thể nhiễm SARS-CoV-2.

Chúng tôi đã phải tăng cường đơn vị lọc máu, chuyển đổi các khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi sang điều trị Covid-19 để có thể song song thực hiện phẫu thuật, đỡ đẻ hay bệnh nền cho nhóm bệnh nhân này.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-dieu-tri-khi-so-f0-dien-bien-nang-tang-cao-post1281903.html