Giải pháp đột phá cho bài toán giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Theo các chuyên gia, để giải bài toán ùn tắc giao thông, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề và không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân.
Ngột ngạt, oi nồng bởi khói xe, bụi bặm khi phải len lỏi giữa rừng phương tiện ôtô, xe máy... vào giờ cao điểm là cảm giác không ai muốn nhưng vẫn phải trải qua mỗi ngày bởi vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
Vấn nạn này đến nay vẫn đang là bài toán khó đối với các đô thị đang trên đà đô thị hóa nhanh chóng như Thủ đô Hà Nội.
Áp lực của đô thị hóa
“Sống ở khu đô thị cửa ngõ phía Nam thành phố tôi hiểu rõ tốc độ đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông cá nhân đã gây áp lực cho hệ thống giao thông như thế nào,” chị Nguyễn Tuyết ở khu đô thị Linh Đàm chia sẻ.
Chị Nguyễn Tuyết cho biết mặc dù hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố được cải thiện, nhưng chưa theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện chóng mặt.
Cách đây khoảng 15-17 năm, đường vào khu đô thị Linh Đàm còn vắng vẻ, chính quyền phường phải treo biển “đề phòng cướp giật;” đường Giải Phóng thì “thêng thang,” nhưng giờ cả rừng phương tiện ken cứng vào các giờ cao điểm.
Xung quanh khu đô thị Linh Đàm, mặc dù đã có thêm những cây cầu vượt sông, vượt hồ, có đường trên cao nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn nhức nhối.
Đợt mưa rào và giông trên địa bàn Thủ đô mới đây, người dân Thủ đô cũng được chứng kiến “ma trận ùn tắc giao thông” tại nhiều tuyến đường. Tình trạng úng ngập kéo theo ùn tắc giao thông nhiều giờ, đặc biệt trong những giờ cao điểm khiến người dân phải chật vật chen lấn trong dòng phương tiện di chuyển rất khó khăn.
Các tuyến đường như: Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Láng, Tây Sơn... đều trong tình trạng ken đặc phương tiện, có nơi xe máy phải leo lên cả vỉa hè, tìm lối đi riêng, bất chấp nguy hiểm.
Phía cầu Chương Dương, từ phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) qua cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) áp lực giao thông cũng bắt đầu gia tăng từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 buổi sáng.
Tại nút giao Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng; nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, đường Tố Hữu-Lê Văn Lương, Xuân Thủy-Cầu Giấy; Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở-Trường Chinh, Đội Cấn, Kim Mã... cũng trong tình trạng tương tự.
Các điểm úng ngập trên đường gom Đại lộ Thăng Long cũng gián tiếp là nguyên nhân gây ùn ứ khu vực tiếp giáp Đại lộ với quận Cầu Giấy vào nội đô.
Trước đó, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, sau một thời gian dài “chôn chân” ở nhà vì dịch bệnh, khi dịch vụ du lịch bụng ra hoạt động thì nhà nhà, người người đổ ra đường, đi du lịch hay về quê khiến lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường tăng đột biến, cửa ngõ Thủ đô và nhiều đoạn, nút giao thông ùn tắc nghiêm trọng.
Đặc biệt, tại các trạm BOT như Pháp Vân-Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo xả trạm thu phí khi xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông nhưng do lưu lượng phương tiện tăng đột biến dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
“Giờ đây người dân đổ ra đường còn đông hơn cả trước khi có dịch bệnh. Muốn tránh tắc đường phải ra khỏi nhà từ sớm, muộn hơn chút là “dính” tắc đường chôn chân trên đường hàng tiếng mới đến cơ quan,” anh Lương Sơn ở quận Hà Đông chia sẻ.
Theo anh Lương Sơn, phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông thiếu thốn, chật hẹp. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa tốt là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông-Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội hiện đang triển khai nhiều dự án trọng điểm (vành đai 2 trên cao và dưới thấp, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch, đường sắt Nhổn-ga Hà Nội, hầm chui Lê Văn Lương, dự án nước thải Yên Xá), việc tổ chức rào chắn phục vụ thi công cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Có 35 điểm ùn tắc cần xử lý
Với những nỗ lực giảm thiểu ùn tắc giao thông bằng nhiều giải pháp, thành phố Hà Nội và ngành chức năng đã giải quyết được nhiều điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Năm 2021, toàn thành phố đã xóa được 10/37 điểm đen ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau đó thành phố lại phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc giao thông mới. Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội xử lý được 2 điểm ùn tắc ở ngã tư Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ và cầu Thường Tín.
Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. Trong năm 2022, thành phố cần giải quyết thêm 35 điểm đen về ùn tắc còn tồn tại.
Hiện nay, để xử lý các tình huống ùn tắc giao thông, nhất là khi trời mưa, úng ngập, kỳ nghỉ lễ, lực lượng chức năng đã phải “căng mình” phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế chứ chưa chữa được căn nguyên của căn bệnh nan y ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
Theo trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Phòng Cảnh sát Giao thông số 7-Công an Hà Nội, tổ chức giao thông chỉ là giải pháp trước mắt để chống ùn tắc. Về lâu dài, cần nhiều giải pháp kết hợp trong đó, quan trọng bậc nhất là đầu tư, mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Giải pháp đột phá
Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đó là do gia tăng dân số kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô; diện tích dành cho giao thông còn thấp; ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa tốt…
Để giải bài toán này, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề và không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân.
Thực tế ở các thành phố lớn trên thế giới đều hướng tới phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, giao thông công cộng ở Hà Nội còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Bảo cho biết thêm Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Mỗi năm, thành phố phấn đấu xử lý từ 7-10 điểm “đen” ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm mới; không để xảy ra các điểm ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Giai đoạn từ năm 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trước tiên là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội. Đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông.
Theo ông Trần Hữu Bảo, đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò cực kỳ quan trọng với chương trình chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
Về các giải pháp chống ùn tắc giao thông đang được triển khai, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông-Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức chốt trực hướng dẫn phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm, nút giao thông, khu vực các cổng trường học, bệnh viện nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nhất là tình trạng các phương tiện dừng đỗ trái quy định gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn phân luồng giao thông.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an thành phố để điều chỉnh các bất cập về tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên các trục chính giao thông như: trên trục đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở (các nút giao cầu Mai Động; nút giao Ngã Tư Vọng; nút giao Ngã Tư Sở); trục đường Vành đai 3 (nút giao Pháp Vân-Ngọc Hồi; nút giao Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng; Mai Dịch-cầu Thăng Long); trục đường Nguyễn Trãi-Trần Phú-Quang Trung (nút giao Ba La; nút giao Vũ Trọng Khánh-Nguyễn Khuyến; nút giao Ngã Tư Sở); trục đường Lê Đức Thọ-Lê Quang Đạo (nút giao Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ; nút giao Trần Hữu Dực-Lê Đức Thọ); trục đường Láng Hạ-Lê Văn Lương-Tố Hữu (Láng Hạ-Giảng Võ); nút giao Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám (thi công hầm chui Lê Văn Lương); nút giao Trung Văn-Tố Hữu.
Biện pháp không thể thiếu là nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, lưu thông trên đường tuân thủ theo hệ thống vạch sơn, biển báo tránh các trường hợp đi lại lộn xộn gây mất an toàn giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn./.