Giải pháp giúp trẻ dân tộc thiểu số có nền tảng tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Bên cạnh công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ và bản sắc văn hóa dân tộc của các em phải được chú trọng.
Ngày 8/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Sau hơn một năm triển khai, việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và tiểu học dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh. Với nền tảng tiếng Việt tốt, học sinh có thể học các môn học khác một cách dễ dàng hơn, hiểu bài hơn, từ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Điều này hết sức quan trọng trong giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học tiếng Việt ngay trong hoạt động dạy và học hàng ngày
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thông tin, tại xã Hương Liên, huyện Hương Khê, hiện nay đang có đồng bào dân tộc Chứt - một trong những dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống. Hiện tại, trên toàn huyện có 15 trẻ mầm non và 18 học sinh tiểu học là người dân tộc Chứt. Chính vì vậy, chính quyền và ngành giáo dục địa phương luôn quan tâm tới công tác dạy tiếng Việt cho đối tượng học sinh đặc biệt này.
“Đối với trẻ mầm non chuẩn bị lên lớp 1, ngay từ trước khi bắt đầu năm học 2024-2025, dựa trên các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương đã giao nhiệm vụ cho Trường Mầm non Hương Liên và Trường Tiểu học Hương Liên xây dựng kế hoạch tăng cường dạy tiếng Việt cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Từ đó, triển khai chương trình dạy tăng cường tiếng Việt cho các em trước khi vào lớp 1. Nhà trường đã xây dựng khung thời gian cụ thể, bố trí giáo viên phù hợp và tổ chức đón đưa học sinh, nhằm đảm bảo rằng, các em có thể tham gia học tập một cách thuận lợi và đúng lịch trình.
Đối với học sinh tiểu học, vào năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Hương Liên đã từng triển khai mô hình lớp học riêng dành cho học sinh dân tộc Chứt. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá và quan sát, địa phương đã quyết định chuyển sang mô hình lớp hòa nhập. Sự thay đổi này đã chứng minh được hiệu quả, khi các em học tập nhanh hơn và có khả năng hòa nhập tốt hơn với bạn bè người Kinh, đồng thời tiếp cận với nền văn hóa đa dạng của xã hội” - thầy Thanh chia sẻ.

Học sinh dân tộc Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: NTCC.
Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, ngành giáo dục địa phương đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giảng dạy.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo viên không chỉ tham gia các khóa tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, mà còn được khuyến khích tìm hiểu thêm về ngôn ngữ và văn hóa của học sinh dân tộc Chứt. Điều này giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo ra một môi trường lớp học thân thiện và hiệu quả hơn.

Thầy Phan Quốc Thanh, Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC.
Còn theo cô Đinh Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), mỗi tuần, giáo viên dành từ 1 đến 2 tiết học tiếng Việt cho trẻ, đồng thời tích hợp việc dạy tiếng Việt vào các hoạt động hàng ngày như giờ chơi, bữa ăn, giờ nghỉ trưa hay trong lúc đón và trả trẻ. Phương pháp giảng dạy chú trọng vào việc dạy các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, rèn luyện cách phát âm chuẩn và nhận biết chữ một cách chính xác, giúp trẻ dần hình thành năng lực giao tiếp cơ bản.
“Đối với trẻ dân tộc Chứt - những em có khả năng tiếng Việt còn hạn chế, nhà trường đã cử giáo viên cốt cán kết hợp với giáo viên trực tiếp đứng lớp cùng xây dựng kế hoạch giảng dạy; đồng thời, tham khảo ý kiến từ các chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Không những vậy, đối với trẻ ở độ tuổi từ 2-3 tuổi, mới vào lớp, giáo viên luôn chủ động tạo điều kiện giao tiếp tiếng Việt qua các hoạt động gần gũi. Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, mà còn rèn luyện sự tự tin và khả năng giao tiếp trong môi trường học tập mới” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Liên chia sẻ.
Cũng theo cô Hòa, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi học sinh phải có nhiều hoạt động trải nghiệm và khả năng tiếng Việt thành thạo, đặc biệt với lớp trẻ 5 tuổi. Hàng năm, Trường Mầm non Hương Liên tổ chức nhiều buổi tham quan, giao lưu và trò chuyện với học sinh trường tiểu học để các em có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với môi trường học tập, làm quen với cô giáo và các anh chị lớp 1. Qua đó, khi trẻ lên lớp 1, sẽ không bị bỡ ngỡ, đồng thời, điều này cũng kích thích tinh thần ham học tiếng Việt trong mỗi em.

Không chỉ được học tiếng Việt trong giờ học, trẻ tại Trường Mầm non Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) còn được thực hành ngôn ngữ ngay trong chính hoạt động thường ngày. Ảnh: NTCC.
Giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số cũng rất quan trọng
Thầy Đặng Khánh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên cũng thông tin: “Để công tác dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc Chứt đạt hiệu quả cao nhất, ngoài việc bố trí đội ngũ giáo viên chuyên môn, nhà trường đã nỗ lực thông tin tới cha mẹ và người giám hộ học sinh những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ con em mình trước, trong và sau khi vào lớp 1, giúp tạo nên một môi trường đồng hành chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các buổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non. Những buổi gặp mặt này nhằm trao đổi về nội dung, phương pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Kết quả, các em không chỉ cải thiện rõ rệt khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, mà còn thể hiện sự tự tin, hòa nhập tốt với bạn bè và giáo viên”.
Tại Đắk Lắk, đồng bào dân tộc Ê-đê chiếm tỉ lệ khá lớn so với dân số toàn tỉnh, chính vì vậy, công tác dạy tiếng Việt, cũng như bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa cho học sinh dân tộc Ê-đê nơi đây là hết sức quan trọng.
Cô Thân Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Ea Knuếc, Krông Pắc, Đắk Lắk) cho hay: “Hiện nay, nhà trường có gần 90% học sinh là người dân tộc Ê-đê. Để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường gặp một số khó khăn, chủ yếu là thiếu tài liệu dạy học.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng chưa được đáp ứng đủ, như thiếu thư viện, cũng ảnh hưởng tới công tác giảng dạy. Bởi lẽ, khi được trang bị đầy đủ thư viện và sách, học sinh sẽ được tự do khám phá, từ đó, nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Việt”.
Để công tác giảng dạy tiếng Việt đạt hiệu quả cao hơn, cô Nhung cũng bày tỏ: “Việc đầu tư bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên là hết sức cần thiết. Giáo viên dạy tiếng Việt cần được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm để có thể truyền đạt bài học một cách hiệu quả, giúp học sinh không chỉ cải thiện khả năng tiếng Việt, mà còn phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong sẽ có thêm nhiều tài liệu riêng, cũng như cơ sở vật chất hoàn thiện để công tác giảng dạy đạt được kết quả như mong đợi”.

Cô Thân Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Ea Knuếc, Krông Pắc, Đắk Lắk). Ảnh: NVCC.
Theo cô Nhung, tuy Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chưa đủ điều kiện để mở lớp dạy tiếng Việt tăng cường ngoài giờ cho học sinh, nhưng cũng đã có một số biện pháp khắc phục: “Mỗi tiết học môn Tiếng Việt hiện được tăng thêm 5 phút so với thời lượng thông thường, tạo điều kiện cho học sinh dân tộc Ê-đê có thêm thời gian thực hành thông qua các bài tập tương tác và các hoạt động củng cố kiến thức. Thời gian bổ sung này tuy không nhiều, nhưng thông qua những bài hát, trò chơi đơn giản, không chỉ giúp các em nắm vững nội dung bài học, mà còn kích thích sự hứng thú và khuyến khích sự tham gia tích cực trong lớp học.
Đồng thời, nhà trường cũng chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua việc khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi tiếng Việt. Những cuộc thi này được tổ chức thường niên nhằm tạo môi trường giao lưu, rèn luyện khả năng diễn đạt ý tưởng một cách tự tin cho các em học sinh”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Ea Knuếc, Krông Pắc, Đắk Lắk) được khuyến khích tham gia các phong trào, cuộc thi tiếng Việt. Ảnh: NTCC.
Bên cạnh công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc Ê-đê, việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ và bản sắc dân tộc của các em cũng được Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chú trọng.
“Nhà trường đặc biệt chú trọng vào việc dạy môn Tiếng Ê-đê, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Mỗi tuần, học sinh được học 2 tiết môn Tiếng Ê-đê với chương trình giảng dạy được xây dựng dựa trên sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Trong khi ở nhiều môn học khác, học sinh thường cảm thấy rụt rè, thiếu tự tin, thì khi học tiếng mẹ đẻ của mình, các em lại trở nên háo hức và tràn đầy năng lượng. Nhiều em không ngần ngại xung phong phát biểu, thể hiện giọng nói rõ ràng và tự tin, tự hào về ngôn ngữ của dân tộc” - nữ hiệu trưởng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm cần thiết bảo tồn tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số, thầy Đặng Khánh Tùng cũng bày tỏ: “Bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh dân tộc Chứt, Trường Tiểu học Hương Liên cũng đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc một cách sâu sắc và toàn diện.
Thay vì chỉ dạy ngôn ngữ theo khuôn mẫu, nhà trường đã kết hợp những giá trị truyền thống vào từng bài giảng tiếng Việt và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Sự kết hợp này giúp các em tự tin giữ gìn bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập như hiện nay”.