Giải pháp hạn chế người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và vi phạm pháp luật
Yêu cầu xác thực và định danh tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại nhằm tránh việc người dùng vì vô danh nên dễ dẫn đến vô trách nhiệm khi tham gia vào không gian mạng, từ đó góp phần hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT cho biết: Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet, kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định 147 còn có các mục đích khác như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trực tuyến hóa thủ tục cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp thực hiện các thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường bảo đảm an ninh thông tin và chế tài xử lý tranh chấp tên miền, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tên miền phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật có liên quan...
Trong đó, lần đầu tiên Nghị định 147 quy định rõ về trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng”; tức bộ, ngành nào quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì phải quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Theo đó, bên cạnh vai trò của 3 bộ ngành chủ chốt là Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, một số bộ, ngành liên quan khác cũng được phân công nhiệm vụ cụ thể: Bộ Công Thương được phân công quản lý chung về thương mại; Bộ VHTT&DL được phân công quản lý lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; Bộ Y tế được phân công quản lý về y tế; Bộ GD&ĐT được phân công quản lý về giáo dục và đào tạo; Bộ LĐTB&XH được phân công quản lý các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; Bộ Tài chính được phân công quản lý về tài chính, thuế…
Về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, Nghị định 147 bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội (MXH) thường xuyên vi phạm. Đặc biệt, bổ sung quy định xác thực và định danh tài khoản của người dùng MXH bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên MXH. Điều này nhằm tránh việc người dùng vì vô danh nên dễ dẫn đến vô trách nhiệm khi tham gia vào không gian mạng, từ đó góp phần hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bộ TT&TT và Bộ Công an sẽ phân công lực lượng để kiểm tra thực hiện việc này.
Nghị định 147 cũng yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm MXH chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; MXH có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản MXH; MXH phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên MXH; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng. Các quy định này áp dụng chung cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Nghị định 147 cũng đưa ra một số quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và MXH. Cụ thể, Nghị định quy định, trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 1 giờ so với tin gốc; lấy nguồn tin từ ít nhất 3 cơ quan báo chí; trang thông tin điện tử tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định; báo điện tử phải chịu trách nhiệm nội dung liên kết; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin, bài của cơ quan báo chí trong 1 tháng; không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí; không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp; MXH không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định; không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn và đăng tải lên MXH. Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.