Giải pháp 'kép' bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp Tết Ất Tỵ
Thịt lợn chiếm gần 62% trong 'rổ thực phẩm' của người tiêu dùng Việt Nam. Việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn bởi vậy luôn là vấn đề được Bộ NN&PTNT quan tâm, nhất là thời điểm cuối năm, Tết Ất Tỵ cận kề.
Nguồn cung thịt lợn được đảm bảo
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ năm 2019 đến nay, chăn nuôi lợn của Việt Nam duy trì tăng trưởng khá. Từ chăn nuôi tự cung tự cấp, Việt Nam đã được biết đến là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt của thế giới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến tháng 7/2024 đạt hơn 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Chăn nuôi lợn hiện tập trung nhiều nhất ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%).
Một số địa phương phát triển chăn nuôi lợn tốt trong những năm gần đây như: Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai… Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng đàn lợn liên tục được duy trì, hiện đạt tổng đàn hơn 1,48 triệu con.
Cùng với tăng trưởng về tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng có sự gia tăng. Năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của cả nước đạt trên 4,8 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm 2022. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn đạt gần 2,54 triệu tấn (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh năng lực sản xuất có quy mô ngày một phát triển, Việt Nam tiếp tục duy trì nhập khẩu thịt lợn nhằm đa dang hóa nguồn cung. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 128.700 tấn (trị giá hơn 203 USD).
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tuy nhiên, chăn nuôi lợn cũng đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là trong nỗ lực phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao, đe dọa an toàn của ngành chăn nuôi lợn.
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến khá phức tạp, chủ yếu là dịch tả lợn châu Phi. Hiện, cả nước vẫn còn 306 ổ dịch thuộc 100 huyện của 29 tỉnh, TP chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là hơn 34.400 con.
“Số lượng lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi chủ yếu xuất hiện trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, hoặc trên đàn lợn chưa tiêm vaccine phòng bệnh…” - ông Phan Quang Minh nói thêm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thịt lợn hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong “rổ thực phẩm” của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn luôn là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm.
Từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng tổng đàn lợn được duy trì. Sản lượng thịt lợn cũng ngày một tăng, đáp ứng cơ bản đầy đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó, giá thịt lợn từ cuối năm 2023 đến nay cũng khá tốt, bảo đảm có lợi cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT.
Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-kep-bao-dam-nguon-cung-thit-lon-dip-tet-at-ty.html