Giải pháp kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt
Doanh nghiệp Việt Nam cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến đến doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch.
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2023 - Vietnam Foodexpo 2023 do Bộ Công Thương chủ trì, Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến ngày 25/11, đã diễn ra song song chuỗi hội nghị bàn về giải pháp kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến đến doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu và một số lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với nhiều đơn vị liên quan đẩy mạnh nhiều hoạt động, giải pháp phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu thực phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Mặc dù cũng đối mặt nhiều khó khăn chung do tác động của diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, nhưng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là ngành nông sản thực phẩm sang các thị trường lớn vẫn được đánh giá khả quan. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để mở rộng kênh bán hàng, tăng đầu tư vào Công nghệ Số, nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại...
Theo bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing sàn Thương mại Điện tử Alibaba.com Việt Nam, đơn vị này và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, đang phối hợp thực hiện Gian hàng Quốc gia Việt Nam (Vietnam Pavilion) trên Alibaba.com tập hợp sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu tham gia thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) toàn cầu, nhằm thúc đẩy thương hiệu Việt vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, chỉ Top 100 doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn dựa trên Bộ tiêu chí tuyển chọn doanh nghiệp tiêu biểu của Gian hàng Quốc gia Việt Nam do Cục Xúc tiến Thương mại và Alibaba.com Việt Nam thiết lập mới đủ tiêu chuẩn tham gia.
Trong khi đó, tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại Kết nối Giao thương Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc về lĩnh vực Nông, Thủy sản, ông Lê Hoàng Tài (Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương) cho hay triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn dư địa rất lớn trong thời gia tới.
Cụ thể, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và mở ra cơ hội thị trường có quy mô dân số lớn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư từ Trung Quốc, cũng như doanh nghiệp muốn tận dụng lợi thế FTA trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang những thị trường mà Việt Nam tham gia FTA để hưởng ưu đãi.
Để kết nối giao thương giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho rằng sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo quy định của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chung cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của những quốc gia khác và ngay cả sản phẩm nông sản nội địa.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến đến doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng cơ hội thu hút doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, nông sản nghiên cứu, đầu tư sản xuất tại Việt Nam để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường tại quốc gia này.
Thống kê trong năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc; còn trong khối ASEAN thì Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Tính riêng 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 104 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam và dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả khả quan./.