Giải pháp khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Từ năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người chăn nuôi. Để chủ động khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp và hộ chăn nuôi đã triển khai nhiều giải pháp giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Nông dân xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) phối trộn cỏ voi với cám gạo làm thức ăn chăn nuôi bò

Ông Văn Đức Dũng, xã Liên Khê (Khoái Châu) học cách tự phối trộn thức ăn cho đàn lợn của gia đình 3 năm nay. Nhờ cám trộn mà gia đình ông đã vượt qua được giai đoạn “bão giá” thức ăn chăn nuôi. Ông Dũng chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 1 nghìn con lợn các loại. Do giá đầu vào của con giống, thức ăn, thuốc thú y thường xuyên biến động nên tôi đã lựa chọn giải pháp tự phối trộn thức ăn để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Học hỏi công thức, kỹ thuật từ các nhà sản xuất premix, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sau đó gia đình đầu tư một máy nghiền, một máy trộn, tìm mua các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương như: Ngô, cám gạo, đậu tương, cá khô, các loại vitamin và khoáng chất rồi học hỏi cách phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Với cách làm này, gia đình tôi tận dụng được nhân công dôi dư, cắt giảm được các khâu trung gian, giá cám giảm khoảng 2 nghìn đồng/1kg so với việc mua cám viên của các công ty.

Bà Nguyễn Thị Phái, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để kết hợp với thức ăn công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Phái cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 13 con bò BBB, 30 con lợn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên tôi xác định “lấy công làm lãi”, tận dụng cám gạo từ quá trình xay xát, tôi phối trộn thêm với thân cây chuối, cỏ voi, cám công nghiệp để làm thức ăn cho bò. Cùng với đó, tôi tận dụng bã rượu của các hộ nấu rượu ở cùng địa phương để làm thức ăn cho lợn. Kết hợp các phụ phẩm nông nghiệp với thức ăn công nghiệp, mặc dù vật nuôi lớn chậm hơn so với cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn nhưng tôi không phải lo lắng về chi phí thức ăn và tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, do thời gian nuôi dài hơn, thức ăn phần lớn là hữu cơ, gần gũi với thiên nhiên nên sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với thị trường.

Từ năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá trên 10 lần, mỗi đợt tăng từ 200 – 350 đồng/kg. Mặc dù Chính phủ đã có quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 đợt. Nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi trong nước tăng giá là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nước trên thế giới gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, cuộc xung đột quân sự giữa các nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới là Nga và Ukraine đã làm giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn tăng mạnh. Ngoài ra, giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Qua thực tế sản xuất của các hộ chăn nuôi, ở thời điểm giá cám công nghiệp tăng cao như hiện nay, sử dụng thức ăn phối trộn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 - 20%, người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này nhằm giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt. Ngoài ra, người chăn nuôi sẽ dễ dàng kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh. Do vậy, rất phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không kháng sinh.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng thức ăn phối trộn cũng có một số hạn chế nhất định bởi lựa chọn công thức trộn thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi và từng giai đoạn vật nuôi là điều không dễ với các trang trại. Do vậy, để việc sử dụng thức ăn phối trộn đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn tại địa phương để phối trộn, bảo đảm đầy đủ các yếu tố: Đạm, năng lượng, vitamin, khoáng chất. Nguyên liệu trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ, các nguyên liệu như: Ngô, cám, đậu tương, khô dầu, bột cá… phải bảo đảm chất lượng, không bị nấm mốc, ẩm, vón cục, biến màu. Cần dựa vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều để bảo đảm chất lượng của thức ăn. Bên cạnh đó, người dân cần phối trộn thức ăn theo công thức phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi, mục đích chăn nuôi và từng lứa tuổi của vật nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn vật nuôi để điều chỉnh công thức phối trộn phù hợp. Về lâu dài, để chăn nuôi phát triển bền vững, các hộ dân cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi để hình thành các mối liên kết trong quá trình sản xuất giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202204/giai-phap-khi-gia-thuc-an-chan-nuoi-tang-cao-fcd2f5d/