Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS
BBK- Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2025, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tổ chức Chương trình 'Giao lưu tiếng Việt của chúng em' và 'Ngày hội đọc sách', giúp học sinh rèn kỹ năng ngôn ngữ, phát triển tư duy, cảm xúc và thói quen đọc sách.

Chương trình “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” và “Ngày hội đọc sách” năm 2025 tại Trường Tiểu học Sông Cầu.
Tại Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn), chương trình diễn ra nhiều nội dung như: Giao lưu Tiếng Việt và giới thiệu cuốn sách em yêu; vẽ tranh theo chủ đề nhân vật cổ tích em yêu và quyên góp sách, truyện. Đối với phần thi thứ nhất có 2 hoạt động là đọc diễn cảm và kể chuyện bằng hình thức sân khấu hóa. Những câu chuyện được dàn dựng công phu từ nhân vật, hóa trang, âm nhạc, tình huống đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, đồng thời giới thiệu thêm một cuốn sách đến với học sinh.

Ngày hội Đọc - Giao lưu tiếng Anh - Giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh DTTS tại Trường Tiểu học Đức Xuân.
Đối với phần thi vẽ tranh có 26 em tham gia. Mỗi em đều tỉ mỉ vẽ nhân vật cổ tích trong những câu chuyện mà các em đã được nghe từ khi còn bé như: Tấm Cám, nàng Bạch Tuyết, nàng tiên cá, Sọ Dừa, Rùa và thỏ…

Học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu tham gia vẽ tranh hưởng ứng chương trình.
Em Nguyễn Minh Châu, Lớp 3A, Trường Tiểu học Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn bày tỏ:
"Được tham gia Ngày hội đọc sách em như được hòa mình vào các nhân vật trong các câu chuyện kể. Em cảm thấy thật bổ ích và sẽ chăm chỉ đọc sách để tìm hiểu các kiến thức và rèn luyện để đọc sách được diễn cảm hơn".

Học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu quyên góp sách tại chương trình.
Trường Tiểu học Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích Hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2025. Thông qua các sân chơi bổ ích này, học sinh được rèn luyện kỹ năng, kể chuyện, hát, múa, các em tự tin sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Đồng thời, mở rộng môi trường giao tiếp cho các em tại gia đình và địa phương, khuyến khích học sinh tăng cường sử dụng tiếng Việt trong tất cả các hoạt động học tập, vui chơi, giao tiếp thường ngày.

Học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu hóa thân thành các nhân vật trong câu chuyện kể.
Chương trình được tổ chức nhằm phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc viết của học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất, tình yêu Tiếng Việt của học sinh. Đồng thời, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng đến một xã hội học tập. Nâng cao trách nhiệm của nhà trường đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong trường học.

Kể chuyện theo tranh.
Được biết, từ nhiều năm nay, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS tại các cơ sở giáo dục được Sở GD&ĐT Bắc Kạn chỉ đạo khá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Thông qua 2 giai đoạn thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục có học sinh là người DTTS giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học; điều chỉnh giảm thời lượng dạy các môn học khác để tăng thời lượng dạy môn Tiếng Việt. Các giải pháp triển khai thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác truyền thông được quan tâm và thực hiện hiệu quả, tiêu biểu như các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm...

Cô giáo Nông Thị Lê Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu tặng thưởng cho học sinh có tiết mục kể chuyện xuất sắc.
Tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư, thay thế, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, học liệu đáp ứng các nội dung hoạt động; chú trọng xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt gắn với thực hành trải nghiệm. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác yếu tố địa phương từ nguyên vật liệu sẵn có, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, nghệ nhân theo vùng, miền, dân tộc. Đồng thời, chú trọng phát triển không gian giao tiếp ngôn ngữ từ nhà trường, gia đình và xã hội đã lấy trẻ là trung tâm của mọi hoạt động, qua đó giúp trẻ tự tin, phát triển toàn diện, đáp ứng mục tiêu của Đề án.

Các tiết mục kể chuyện được dàn dựng công phu.
Với địa phương có đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như tỉnh Bắc Kạn, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số giúp trẻ có thêm cơ hội giao lưu và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong học tập, giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày./.