Lan tỏa văn hóa đọc trong lực lượng Hải quân
Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bên cạnh huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, những người lính hải quân còn không ngừng nâng cao kiến thức, nuôi dưỡng đời sống tinh thần thông qua việc đọc sách. Tại những đơn vị đặc thù như Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn Tàu ngầm 189, việc đọc sách được các cán bộ, chiến sĩ duy trì bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đọc sách trong ngày nghỉ.
Sách ở đảo xa
Trên quần đảo Trường Sa, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu các phương tiện thông tin hiện đại, việc tiếp cận Internet và công nghệ số còn hạn chế, sách trở thành công cụ chủ đạo trong việc tiếp nhận tri thức và nuôi dưỡng đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Trung tá Lương Tú Đa - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông cho biết, dù thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, nhưng chỉ huy đảo luôn chú trọng đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ thông qua việc đọc sách. Những ngày này, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) năm 2025, đảo đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thành lập tổ đọc sách; tổng hợp các cuốn sách hay, ý nghĩa trưng bày tại phòng sinh hoạt chung phục vụ cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu, tham khảo; tổ chức giới thiệu cuốn sách hay, ý nghĩa; xếp mô hình sách với ý tưởng sáng tạo, độc đáo, tạo không gian văn hóa hấp dẫn chiến sĩ tìm hiểu, học tập.
Trung sĩ Thái Hữu Phước - Cụm chiến đấu 2, đảo Phan Vinh chia sẻ: "Tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ chúng tôi lại tìm đến với sách, xem sách như những người bạn để quên đi căng thẳng, mệt nhọc sau một ngày huấn luyện. Đặc biệt, có nhiều cuốn sách rèn luyện thêm cho tôi về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với đồng chí, đồng đội để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tại buổi thi giới thiệu sách.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Bá - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, đơn vị luôn duy trì thói quen đọc sách cho cán bộ, chiến sĩ tại các đảo. Hằng năm, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được lồng ghép một cách sinh động và hiệu quả vào các phong trào thi đua tại đơn vị. Năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc được lữ đoàn tổ chức đa dạng, như: Đọc sách theo nhóm, tọa đàm về sách, biên tập và giới thiệu sách qua hệ thống truyền thanh nội bộ, xếp mô hình sách sáng tạo... Các nội dung sách năm nay được phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ tập trung gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2025), 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quần đảo Trường Sa, Quân chủng Hải quân...
Đọc sách trong "lòng biển"
Khác với không gian thoáng đạt ở đảo, trên những con tàu ngầm hiện đại, cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 lại nuôi dưỡng đời sống tinh thần bằng thói quen đọc sách trong môi trường khép kín và đặc thù.
Tàu ngầm là lực lượng tác chiến đặc biệt, hoạt động trong môi trường đặc thù và đòi hỏi tính kỷ luật, chính xác cao. Không gian sinh hoạt ở đây chật hẹp, thiếu ánh sáng tự nhiên, không có kết nối Internet, sóng điện thoại, ti vi... nên các thủy thủ tàu ngầm tìm kiếm hình thức giải trí phù hợp sau những giờ làm việc căng thẳng. "Sau những giờ huấn luyện, đi ca căng thẳng, chúng tôi duy trì nhiều hình thức giải trí cho các cán bộ, thủy thủ, như: Xem phim tại câu lạc bộ, tổ chức giao lưu cờ vua, cờ tướng, tổ chức sinh nhật trong "lòng biển", bản tin hành trình trong "lòng biển"… Trong các hình thức đó, đọc sách là hình thức được nhiều cán bộ, thủy thủ yêu thích nhất”, Thượng tá Lê Trung Hiếu - Chính trị viên Tàu ngầm 182 - Hà Nội cho biết.

Cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn 189 đọc sách tại câu lạc bộ của tàu ngầm.
Theo các cán bộ, thủy thủ tàu ngầm, việc đọc sách không đơn thuần để thư giãn, giải trí, mà còn là phương pháp hữu hiệu để tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, trên mỗi tàu ngầm đều có một tủ sách nhỏ được đặt tại câu lạc bộ của tàu. Dù không có quá nhiều không gian, nhưng trong tủ có nhiều đầu sách, báo và tạp chí được lựa chọn kỹ lưỡng với nhiều nội dung khác nhau. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Mạnh Hoàng - nhân viên lái tín hiệu, kíp tàu ngầm số 8 chia sẻ: “Tôi dành ít nhất 30 phút cho việc đọc sách mỗi ngày. Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, thời gian đọc sách sẽ nhiều hơn. Trước mỗi lần đi biển thực hiện nhiệm vụ, tôi thường lựa chọn và mượn sách từ thư viện của đơn vị để mang đi đọc”.
Thượng tá Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy, phụ trách Chính ủy Lữ đoàn 189 cho biết, để duy trì văn hóa đọc ở đơn vị, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thời gian qua, lữ đoàn đã triển khai và duy trì hiệu quả nhiều mô hình, hoạt động như: Tủ sách pháp luật; mỗi tuần một cuốn sách; đọc sách trong "lòng biển"; mỗi ngày 10 trang sách; hằng tuần làm clip giới thiệu sách và trình chiếu cho bộ đội xem... Từ đó, giúp duy trì tốt văn hóa đọc đối với cán bộ, thủy thủ đơn vị một cách thực chất, có hiệu quả.
Với nhiều cách làm khác nhau, tại Lữ đoàn 146 và Lữ đoàn 189, văn hóa đọc đã được duy trì tốt, trở thành nếp sinh hoạt thường ngày. Trong điều kiện đặc thù, việc duy trì thói quen đọc sách không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, mà còn góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố ý chí và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.