Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

LTS: Xu hướng mới trên thị trường lao động, đó là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế. Vì vậy, đòi hỏi công tác giáo dục nghề nghiệp cần được đổi mới để có nguồn nhân lực lao động có tay nghề, có trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Để hiểu thêm về nội dung này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Học nghề sửa chữa ô tô tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh Sơn La.

Học nghề sửa chữa ô tô tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông đánh giá khái quát về chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện nay của tỉnh?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Hiện nay, tỉnh ta có 3 trường cao đẳng tham gia đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; công tác xã hội; văn hóa; du lịch; nghệ thuật; xây dựng; cơ khí; ô tô; điện dân dụng...

Công tác đào tạo nghề tiếp tục được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 10/2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,32%, trong đó số lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 25,7%. Ước đến hết năm 2023, tỷ lệ qua đào tạo đạt 61%; tỷ lệ lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 26%. Tuy nhiên, số lượng lao động có trình độ, có kỹ năng nghề cao không nhiều; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

PV: Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngành đã tham mưu cho tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Ngành đã tham mưu cho tỉnh Kế hoạch “phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”; Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch đào tạo nghề thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, phối hợp tổ chức, sắp xếp mạng lưới; cơ cấu ngành nghề; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn phù hợp với cơ cấu ngành nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; công tác xã hội; văn hóa du lịch; nghệ thuật; cơ khí; công nghệ ô tô; điện dân dụng; công nghệ môi trường; công nghệ thông tin; dịch vụ pháp lý. Đặc biệt, đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Sơn La đến năm 2025 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.

Học nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh.

Học nghề điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh.

PV: Theo ông cần có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Công tác đào tạo nghề là một trong những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm để tham gia thị trường lao động.

Với yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao, theo tôi, rất cần đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật... đáp ứng hội nhập thị trường lao động trong nước và thế giới. Vì vậy, cần rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, có phân tầng chất lượng gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; liên kết với doanh nghiệp xây dựng nội dung đào tạo. Thực hiện đào tạo lý thuyết tại trường, đào tạo thực hành tại doanh nghiệp; đảm bảo người lao động sau khi đào tạo đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo. Hợp tác với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo hướng hình thành các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như nghiệp vụ về du lịch, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, ICT... Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Luận (thực hiện)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-iub1laVSg.html