Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP An Giang

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành thị trường tăng trưởng quan trọng, dần thay thế thương mại truyền thống, làm thay đổi về nhận thức, phương thức sản xuất và cách thức quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nên việc phát triển TMĐT là nhu cấu tất yếu.

Các doanh nghiệp An Giang nhận Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Nam

Các doanh nghiệp An Giang nhận Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Nam

Các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) và người dân ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được quan tâm lựa chọn, các nền tảng phục vụ cho TMĐT được khai thác hiệu quả, giúp các DN giảm chi phí đầu tư vào hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối, giảm chi phí quảng bá sản phẩm, dịch vụ tốt hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống. Các hình thức kinh doanh TMĐT phát triển, kết hợp livestream bán hàng đa nền tảng (Shopee, Tiktok, Facebook…) cũng là cơ hội lớn, giúp DN tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số. Đây cũng là cơ hội mở đường cho TMĐT xuyên biên giới phát triển, tiếp cận và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên các sàn giao dịch TMĐT ngoài nước, như: Lazada, Alibaba…

Cùng với đó, những năm qua, chính sách khuyến công đã tạo điều kiện để các cơ sở OCOP, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị vào quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm sản xuất đồng đều, tính thẩm mỹ cao. Từ năm 2019 - 2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ 72 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 64 cơ sở SXKD, DN nhỏ và vừa, với tổng kinh phí trên 15,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ thể kinh tế quan tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển SXKD, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, tem nhãn chống hàng giả để bảo hộ nhãn hiệu; giữ uy tín đối với khách hàng về nhãn hiệu, thương hiệu đã đăng ký. Thường xuyên theo dõi thị trường, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn kỹ thuật để sản xuất chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, kinh doanh trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng TMĐT… Đồng thời, các chủ thể kinh tế quan tâm phân khúc thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng qua các kênh truyền thống.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, cơ sở, DN, chủ thể OCOP, chủ thể có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam, sản phẩm đạt cấp quốc gia, quan tâm tận dụng các nguồn chính sách hỗ trợ để cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu. Tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống, khai thác, mở rộng thị trường tiềm năng trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu. Kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho DN thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

NGỌC DIỆU (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-an-giang-a411502.html