Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2021-2025) tỉnh Hòa Bình đã đề ra 4 khâu đột phá, trong đó nhấn mạnh ưu tiên về quy hoạch và đầu tư hạ tầng, tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự tăng tốc về kinh tế bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước, thu ngân sách Nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đồng và hiện đại. Tuy nhiên, đầu tư công của tỉnh Hòa Bình thời gian qua còn nhiều hạn chế về giá trị nguồn lực và cơ chế quản lý điều hành làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác (tư nhân, nước ngoài…).
Đầu tư công kém hiệu quả dẫn đến kết cấu hạ tầng của tỉnh còn thiếu và yếu, hạ tầng nhiều lĩnh vực còn chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối. Giai đoạn 2011-2020, thu ngân sách tỉnh mới đáp ứng 40% nhu cầu chi, trong đó chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm khoảng 25%. Do vậy, để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tỉnh Hòa Bình cần có những giải pháp cụ thể mở rộng các phương thức huy động và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
1. Tình hình huy động nguồn lực đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2020
Hiện nay, vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình vẫn chủ yếu đến từ nguồn vốn đầu tư công. Thời gian qua, vốn đầu tư công của tỉnh tăng nhanh đang chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính riêng cho giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã triển khai trên 40,8 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Bảng 1. Tỷ trọng các dự án đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo lĩnh vực đầu tư của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, 2021
Mặc dù vậy, đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn thấp và tăng trưởng không ổn định. Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có 410 dự án đầu tư công cho kết cấu hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 16,4 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm có khoảng 41 dự án và lượng vốn đầu tư mỗi dự án gần 40 tỷ đồng, đây là số vốn đầu tư tương đối thấp cho các dự án đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông. Theo lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư công cho kết cấu hạ tầng của tỉnh Hòa Bình tập trung chủ yếu cho: Hạ tầng giáo dục; hạ tầng nông lâm nghiệp và thủy lợi và hạ tầng giao thông. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng số vốn đầu tư toàn giai đoạn (Bảng 1).
Bên cạnh những hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công còn có nhiều nội dung bất cập. Một số nội dung trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật đất đai,... chưa đồng bộ, thống nhất gây khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm thường tập trung vào cuối năm, đặc biệt những tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp dẫn tới các dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư cho phù hợp với kế hoạch vốn được giao. Mặt khác, theo các báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn đầu tư từ thu sử dụng đất không đảm bảo theo kế hoạch được giao, dẫn đến phải dừng và giãn một số dự án đầu tư từ nguồn vốn này.
2. Một số gợi ý giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tỉnh Hòa Bình
Thứ nhất, huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính cho ngân sách của địa phương nhằm chủ động nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
(i) Đảm bảo thu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu ngân sách gắn với nuôi dưỡng nguồn thu
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu ngân sách (lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất,…)
Xóa bỏ tâm lý để dành nguồn thu ngân sách cho năm sau.
Triển khai cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy biên chế, kiên quyết thu hồi công không sử dụng đất để giao cho các doanh nghiệp.
(ii) Tập trung nguồn lực tài chính từ đất đai cho ngân sách các địa phương
Cần tập trung hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan đến đất đai (kiểm soát giá đất; tập trung đất đai tạo quỹ đất sạch; tổ chức đầu thầu thay vì giao đất; các công trình giao thông, đô thị cần khai thác quỹ đất vùng phụ cận …)
Khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và các doanh nghiệp tại các địa phương.
(iii) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thụ công nghiệp, phát triển du lịch và dịch vụ nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương để tái đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các khu, cụm công nghiệp ở những địa bàn có lợi thế như các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình.
Hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hòa Bình.
Thứ hai, Tái cơ cấu đầu tư công cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình. Cần tập trung vào một số vấn đề như:
Ưu tiên đầu tư và phân bổ vốn đầu tư công vào các vùng động lực phát triển của tỉnh Hòa Bình như Thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy để làm lực kéo cho các địa phương khác.
Phân bổ vốn đầu tư công vào các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới như hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng các khu và cụm công nghiệp, và hạ tầng các khu có tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ.
Thứ ba, bổ sung vốn đầu tư công bằng phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương
Chính phủ, Bộ Tài chính cần ủy quyền cho phép tỉnh Hòa Bình được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương .
Cần tính toán kỹ thời điểm phát hành Trái phiếu để tránh sự cạnh tranh không cần thiết với các loại Trái phiếu khác.
Xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư khi mua Trái phiếu chính quyền địa phương.
Nghiên cứu phát triển thị trường thứ cấp để tạo khả năng thanh khoản của trái phiếu trung và dài hạn, trong đó có Trái phiếu chính quyền địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, kế hoạch phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương để xây dựng KCHT KT-XH.
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư ODA, một số gợi ý cần thực hiện như:
Tập trung triển khai xây dựng đề án cụ thể cho từng dự án ODA.
Hỗ trợ các địa phương trong việc tiếp cận với các quốc gia, tổ chức quốc tế tài trợ ODA theo thứ tự ưu tiên cho một số quốc gia đang có nguồn tài trợ lớn trước.
Nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ làm công tác quản lý vốn ODA, cán bộ nhân viên của ban quản lý dự án.
Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tiếp cận và khai thác nguồn vốn ODA.
Tài liệu tham khảo
Chi cục thống kê tỉnh Hòa Bình (2021). Niên giám thống kê tỉnh Hòa Bình 2015&2020, Nhà xuất bản Thống kê. Hòa Bình
HĐND tỉnh Hòa Bình (2020). Kết luận số 291/KL-HĐND về Kết luận giám sát công tác quản lý Nhà nước các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 và các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách (giai đoạn 2016-2020) trên địa bàn tỉnh. Hòa Bình
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình (2015-2020). Báo cáo tình hình thu hút đầu tư hàng năm từ 2015-2020. Hòa Bình
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình (2021). Danh mục các dự án đầu tư khu vực công giai đoạn 2011-2020. Hòa Bình