Giải pháp nào bảo vệ bà con nông dân?
Khi người nông dân bắt đầu vào mùa là các cơ sở kinh doanh (CSKD) buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng lại rộ lên. Do lợi nhuận khủng nên các đối tượng bất chấp hình thức phạt, trục lợi trên sự khốn khó của bà con nông dân.
Đủ kiểu kinh doanh hàng giả
Công an TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt quả tang Trần Minh Trung (34 tuổi) và Trần Văn Tính (40 tuổi, đều ngụ huyện Châu Phú - An Giang) sản xuất (SX) thuốc BVTV giả nhãn hiệu nước ngoài. Trước đó, khoảng 17 giờ 10 ngày 28-11, Trung - Tính dán nhãn thuốc BVTV giả trên tại căn nhà thuê ở lô J1, chợ Cái Sao, P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên thì bị Công an (CA) P.Mỹ Thới phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - CA TP.Long Xuyên bắt quả tang; thu thùng phuy chứa 210 lít thuốc BVTV giả chưa kịp đóng chai, 71 chai và 99 gói thuốc BVTV giả thành phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài cùng các nguyên liệu, công cụ.
Bước đầu Trung khai cùng Tính thuê địa điểm trên để SX thuốc BVTV giả từ đầu tháng 11-2022 đến nay, mỗi ngày tiêu thụ 1 - 3 thùng phuy, nguyên liệu dùng để SX được Trung đặt mua trên mạng.
Theo các cơ quan chức năng, thực trạng vi phạm kinh doanh thuốc BVTV đã đến mức báo động. Do lợi nhuận khủng, các CSKD cùng đối tượng SX đã bất chấp thủ đoạn. Tại TP.Cần Thơ, qua kiểm tra 78 CSKD vật tư nông nghiệp, có 5/13 mẫu phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Ngành Nông nghiệp đã ban hành 24 quyết định (QĐ) xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), với tổng số trên 239 triệu đồng, yêu cầu khắc phục theo quy định.
Công an tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thanh kiểm tra các cơ sở (CS) SX - KD phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng... của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trong đó, đoàn tiến hành thanh kiểm tra 41 hộ KD phân bón, thuốc BVTV; kết quả ra QĐ xử phạt VPHC 7 trường hợp 18 triệu đồng, gồm các lỗi chủ yếu: KD phân bón, thuốc BVTV hết hạn sử dụng; KD thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam... Bên cạnh đó, đoàn lấy 46 mẫu phân bón và thuốc BVTV gửi cơ quan chuyên môn phân tích chất lượng.
Ngoài ra, CA tỉnh Hậu Giang đã tiến hành 5 cuộc thanh kiểm tra 74 CSKD phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn; đồng thời lấy 33 mẫu phân bón và 19 mẫu thuốc BVTV gửi phân tích chất lượng; kết quả có 3 mẫu phân bón, 1 mẫu thuốc có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Qua đó, ra QĐ xử phạt VPHC 13 trường hợp với trên 34 triệu đồng, tham mưu UBND tỉnh ra QĐ xử phạt 1 trường hợp 86 triệu.
Kiểm tra là ra vi phạm!
Chủ tịch UBND tỉnh Long An ra QĐ xử phạt hành chính Công ty TNHH thương mại Hóa nông mùa vàng (địa chỉ: Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, Long An) với gần 400 triệu đồng; tước giấy phép SX trong 10,5 tháng; buộc thu hồi, tiêu hủy và xử lý các sản phẩm vi phạm theo quy định. Qua kiểm tra, công ty có các hành vi vi phạm, gồm: SX phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; SX phân bón không có QĐ công nhận được lưu hành tại Việt Nam; SX phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán hàng hóa (phân bón) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện về tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật.
Ngoài xử phạt VPHC đối với công ty trên, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng ban hành QĐ xử phạt VPHC đối với 2 công ty liên quan do có hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc về tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật. Mỗi công ty bị xử phạt VPHC và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp với tổng số 71,75 triệu đồng và 76,15 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ra QĐ xử phạt VPHC 260 triệu đồng đối với CS buôn bán phân bón trên thị trường có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Ngày 25-10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh này kiểm tra Công ty TNHH nông nghiệp Hiệp Phát (địa chỉ: Quốc lộ 54, ấp Tân Định, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn lấy mẫu phân bón DAP 18-46 VHN-06 (xuất xứ: Philippin, do Công ty TNHH Việt Hóa Nông - VIETAGRO nhập khẩu và phân phối) gửi đi thử nghiệm chỉ tiêu chất lượng. Kết quả: Mẫu phân bón trên có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tại thời điểm kiểm tra, số phân bón còn tồn gồm 400 bao (loại 50 kg/bao), giá niêm yết tại cửa hàng 1,315 triệu đồng/bao, tổng trị giá lô hàng 526 triệu đồng.
Trước đó, Đội QLTT số 4 cũng phối hợp với Đoàn liên ngành 389 tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, phát hiện, xử lý VPHC 9 CSKD phân bón, thuốc BVTV về các hành vi: buôn bán phân bón, thuốc BVTV có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả không có giá trị sử dụng, công dụng... với tổng số tiền phạt 252 triệu đồng.
Theo thống kê của Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng QLTT bắt giữ khoảng 4.000 vụ việc liên quan đến phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt cơ sở SX-KD phân bón giả trên địa bàn cả nước. Các chuyên gia cho rằng, ngoài giá phân bón tăng cao thời gian qua, cả nước có 1.000 CS, 7.000 chủng loại phân bón nên mặt hàng này dễ bị trà trộn, tiêu thụ và vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Tổng cục QLTT nhận định, tình trạng SX-KD phân bón giả, kém chất lượng có xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp. Phân bón giả gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp. Thời gian tới, tổng cục sẽ kết hợp với các cơ quan khác đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh kiểm tra mặt hàng này đồng thời kiến nghị tăng thêm mức chế tài.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nông dân nên chọn những CS uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.