Giải pháp nào cho xung đột?

Xét ở khía cạnh tích cực, cuộc xung đột giữa đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) liên quan vấn đề nhà tài trợ là tín hiệu cho thấy một bước phát triển mới của bóng đá nước nhà. Hiệu ứng của nó sẽ tốt hơn nếu đôi bên có thể ngồi lại để giải quyết với nhau trên tinh thần thiện chí, vì lợi ích chung.

Độc quyền hay không độc quyền?

Cần lưu ý rằng, quy định về ngành hàng độc quyền ở V-League không hề mới. Trong giai đoạn 2012-2015, V-League có nhà tài trợ độc quyền là ngân hàng (Eximbank). Quy định về ngành hàng độc quyền V-League cũng có trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và Điều lệ giải 2023, vốn đã được Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các câu lạc bộ (CLB) thông qua, gồm cả HAGL.

Theo tìm hiểu thì ngoài ngành hàng nước tăng lực, V-League 2023 còn một ngành hàng độc quyền quảng cáo khác là bóng (Động Lực). Lý do HAGL có thể duy trì hợp đồng với Redbull, một hãng nước tăng lực của Thái Lan mùa giải trước đó là bởi đội bóng của bầu Đức đã ký hợp đồng với đối tác này trước khi VPF ký hợp đồng với Sâm Ngọc Linh. Xung đột chỉ nổ ra sau khi HAGL chuyển sang một hãng nước tăng lực khác, cũng của Thái Lan. VPF lập tức “tuýt còi” với lý do HAGL vi phạm quy định về ngành hàng độc quyền giải đấu.

 Bầu Đức khẳng định sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. Ảnh: THANH THIÊN

Bầu Đức khẳng định sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng. Ảnh: THANH THIÊN

Ở đây, VPF có lý khi cho biết chỉ thực hiện theo đúng quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và điều lệ giải. Và cũng cần chú ý, giai đoạn 2012-2015 bầu Đức đang là Phó chủ tịch VPF và Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Tức là nếu thấy quy định trên bất hợp lý, bầu Đức hoàn toàn đủ ảnh hưởng để lên tiếng, yêu cầu thay đổi. Sự cố chỉ xảy ra khi quyền lợi của HAGL bị đụng chạm.

Phân tích về quy định ngành hàng độc quyền của V-League, chuyên gia marketing Hoàng Hà-cựu Giám đốc Marketing Yamaha Việt Nam cho rằng, ông không thấy có vấn đề độc quyền vì chưa có dấu hiệu “chỉ định tài trợ”. Theo ông Hoàng Hà, trong trường hợp có hơn một doanh nghiệp cùng ngành hàng muốn tài trợ cho V-League mà VPF chủ quan lựa chọn một nhà tài trợ và hạn chế cơ hội của nhà tài trợ khác thì mới có thể bị xem xét tạo lợi thế độc quyền. Trong khi đó, quy định quảng cáo độc quyền tồn tại ở nhiều giải đấu chứ không riêng V-League. Như vậy ở đây, có vẻ như giới chuyên môn bóng đá và dư luận đều có sự nhầm lẫn về khái niệm độc quyền.

Lối thoát nào cho đôi bên?

Để đánh giá khách quan hơn về quy định ngành hàng độc quyền ở V-League, cần đặt trong bối cảnh giải đấu lâu nay chưa tạo được nguồn thu lớn từ tài trợ. Công tác vận động tài trợ cho V-League luôn hết sức khó khăn. Tương tự, hầu hết nếu không muốn nói gần như toàn bộ các đội bóng ở Việt Nam đều không kiếm được tài trợ, chỉ sống nhờ nguồn tài chính của các ông bầu.

Trong khi đó, hợp đồng tài trợ độc quyền với nhà tài trợ đem lại giá trị lớn hơn cho VPF, hiểu theo nghĩa khác là cho chính các CLB và giải đấu. Chính vì vậy, dễ hiểu vì sao quy định ngành hàng độc quyền được hầu hết các đội bóng chấp nhận, không có ý kiến phản đối. Như phân tích ở trên, HAGL cũng góp phần tạo nên quy định này và thực tế là đại diện đội bóng phố núi cũng đồng ý với điều lệ giải.

VPF là công ty cổ phần và HAGL là một trong 14 cổ đông. Có thể tin là khi số lượng đội bóng kiếm được nguồn tài trợ tăng lên, nội bộ VPF sẽ phải ngồi lại để xem xét quy định ngành hàng độc quyền giải đấu còn phù hợp hay không. Nó cho thấy một bước phát triển mới của bóng đá Việt Nam, khi các CLB dần độc lập hơn với “bầu sữa” của các ông chủ. Tuy nhiên, thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay, triển vọng trên có lẽ còn khá xa.

Trước mắt với mâu thuẫn giữa HAGL và VPF, giới chuyên môn nhận định đáng lẽ câu chuyện đã có thể kết thúc êm đẹp hơn. Ở đây, cần nói thêm một chi tiết, giới bóng đá ai cũng biết về quan hệ không mấy hài hòa giữa bầu Đức với VPF, cụ thể là Chủ tịch VPF Trần Anh Tú. Một người làm bóng đá lâu năm và một người cũng có cả thập niên cống hiến cho bóng đá nữ, futsal với nhiều thành tích cao. Sự xung khắc giữa đôi bên khiến cho mâu thuẫn trở nên khó giải quyết. Đây là lý do nhiều người bất ngờ bởi thay vì kiện ra tòa gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh bóng đá nước nhà, HAGL có thể chọn giải pháp đưa ra Hội đồng quản trị VPF hoặc thậm chí đề nghị triệu tập đại hội cổ đông bất thường.

Theo chuyên gia Hoàng Hà, trên cương vị nhà tài trợ thì lùm xùm của giải đấu sẽ gây hiệu ứng không tốt. Như vậy về lâu dài, bóng đá Việt Nam và HAGL đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

TRIỆU VÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/giai-phap-nao-cho-xung-dot-719283