Giải pháp nào giảm chi phí cho lao động xuất khẩu sang Nhật Bản?

Theo một nghiên cứu của ILO, lao động Việt Nam phải trả 192 triệu VNĐ để nhận công việc đầu tiên tại Nhật Bản.

Chi phí để đi làm việc tại Nhật Bản còn ở mức cao

Chi phí để đi làm việc tại Nhật Bản còn ở mức cao

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật Bản và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

Việc trả phí tuyển dụng cao làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản.

Để giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật.

Còn theo các chuyên gia, để giảm chi phí cho người lao động, các công ty tư nhân cải thiện môi trường tiếp nhận, chi trả chi phí dịch vụ, các doanh nghiệp dịch vụ không để môi giới can thiệp vào quá trình tuyển dụng và tuân thủ quy định pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-phap-nao-giam-chi-phi-cho-lao-dong-xuat-khau-sang-nhat-ban-post536070.antd