Giải pháp nào khi không khí đang ô nhiễm trầm trọng
Tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2.5.
Ô nhiễm không khí đang đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp nơi trên thế giới. Báo cáo của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir đầu năm 2024 cho biết, 99 trong số 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới nằm ở châu Á.
Indonesia là quốc gia ô nhiễm nhất châu Á, nồng độ PM2.5 trong năm 2023 của nước này tăng 20% so với năm 2022. Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố vượt quá mức tiêu chuẩn của WHO, gấp 10 lần.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Riêng Hà Nội đứng thứ 233, TPHCM là 1.048 và Đà Nẵng là 1.182.
Thành phố Trà Vinh được IQAir đánh giá là nơi trong lành nhất (hạng 6.806) và quận Tây Hồ là nơi ô nhiễm nhất (hạng 71) Việt Nam trong năm 2023.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt diễn ra vào thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng mà còn gây tổn thất kinh tế lên đến 13 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Ô nhiễm không khí: Thực trạng báo động
Với nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình vượt ngưỡng cho phép từ 1,1 đến 2,1 lần tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí đang khiến hàng ngàn người nhập viện mỗi năm vì các bệnh tim mạch và hô hấp. Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch, "mùa ô nhiễm" đang dần thay thế "mùa đông" ở miền Bắc, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy cho rằng tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2.5. Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
"Bảo vệ môi trường phải lấy sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu." – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi các nỗ lực phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ ngành và địa phương.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40% . Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… “đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.” – ông Đông thông tin.
Ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu của Việt Nam, mà trọng tâm là 2 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh TP Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực TPHCM). Ô nhiễm môi trường không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kèo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.
Về thông số ô nhiễm, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Giá trị bụi PM2.5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền. Giá trị bụi PM2.5 cao nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng, kế tiếp là khu vực TPHCM và các tỉnh xung quanh. Giá trị bụi PM2.5 thấp nhất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Điều này cho thấy, chất lượng không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang trở nên xấu đi trong những năm qua.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, kết quả quan trắc giai đoạn từ 2019 đến nay cho thấy hầu hết chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang ô nhiễm, nhất là tại các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương.
Trong các vấn đề ô nhiễm không khí, trọng tâm nhất là bụi. Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM 2.5 ở Hà Nội, trung bình mỗi năm có gần 1.100 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca do bệnh hô hấp. Các thống kê cho thấy, nếu hàm lượng bụi mịn PM 10, PM 2.5 tăng lên 10μg/m3 thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em Hà Nội tăng tương ứng là 1,4% và 2,2%. Giai đoạn 2011 - 2015 ô nhiễm không khí làm giảm khoảng 20% thu nhập của người dân nội thành.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.
Ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm cho sức khỏe và làm giảm năng suất của người lao động, tác động tiêu cực đến năng suất cây trồng và chăn nuôi, giảm doanh thu du lịch trong nước và quốc tế cũng như đầu tư quốc tế và gây thiệt hại cho các công trình di sản do mưa axit, và làm suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về xã hội và kinh tế cho Việt Nam, bao gồm cả tử vong sớm và bệnh tật, lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí làm sạch trong tương lai.
Cần các giải pháp cấp bách, kịp thời
PGS. TS. Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng không khí thực tiễn của Thái Lan. Theo đó, Băng Cốc trước đây rất ô nhiễm, nhưng chính quyền sở tại của các thành phố trên đã có nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai việc giảm ô nhiễm không khí và đã có được nhiều kết quả ghi nhận.
Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới chết vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.
Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các chuyên gia về các bằng chứng khoa học hiện có và được áp dụng rộng rãi. Thật không may, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí chưa đáp ứng với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào tháng 11/2023, ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch tước đi mạng sống của 5,1 triệu người mỗi năm.
Trong khi đó, WHO cho biết, 6,7 triệu người trên thế giới qua đời mỗi năm do tác động tổng hợp của ô nhiễm không khí xung quanh môi trường sống và trong nhà.
Các thành phố đông dân ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính bao gồm khí thải xe cộ, nhà máy điện than, xây dựng, pháo hoa, phá rừng.
Ví dụ về chính sách, giải pháp của chính quyền Băng Cốc, họ đã thành lập Ủy ban Phòng ngừa và giải quyết ô nhiễm không khí cũng như thành lập Trung tâm điều phối và giải quyết ô nhiễm không khí. Chức năng của hai cơ quan này sẽ theo dõi, báo cáo và công bố tình hình ô nhiễm bụi PM2.5, thống nhất nỗ lực của các bên liên quan để giải quyết vấn đề kịp thời. Trong trường hợp nồng độ bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn, Trung tâm sẽ thông báo cho văn phòng các quận trong khu vực và các cơ quan có liên quan để có hành động ngay lập tức.
Nhiệm vụ của hai cơ quan này sẽ giám sát việc thực hiện các giải pháp ngắn hạn như: Vệ sinh, phun nước rửa đường; Tăng cường kiểm tra và hạn chế các loại phương tiện gây ô nhiễm; Điều tiết giao thông và thúc đẩy sử dụng hệ thống giao thông công cộng; Kiểm soát bụi từ hoạt động xây dựng; Cấm đốt rác, đốt mở ...
Trong khi đó, được biết ở Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Một trong những điểm nổi bật của Kế hoạch này là Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn PM2.5. Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên, bàn đến vấn đề giảm nguồn thải từ giao thông cần một chiến lược lâu dài, trong khi đó Hà Nội cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách như bài học kinh nghiệm từ Băng Cốc. Thậm chí vào những đợt không khí Hà Nội ô nhiễm trầm trọng như trong năm 2024, việc tối thiểu nhất là phun nước rửa đường cũng hầu như không thấy TP Hà Nội triển khai.
Đến những giải pháp toàn diện
Việc giải quyết ô nhiễm không khí một cách hiệu quả - nhằm mang lại sức khỏe và các lợi ích khác cho tất cả mọi người - đòi hỏi phải có thay đổi ở cấp chính sách, cấp ngành để giải quyết ô nhiễm từ nguồn gốc của nó. Nói như Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, ô nhiễm không khí không phân chia theo địa giới hành chính nên đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, từ hành động của người dân tới hành động của các bộ ngành, địa phương và giải pháp ở tầm chiến lược quốc gia.
Theo các chuyên gia, việc Hà Nội xác định rõ các nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí là giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng trọng việc đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường không khí Thủ đô.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Vân Nguyệt, chuyên gia của tổ chức Live & Leam, Hà Nội cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ môi trường nói chung và bảo đảm chất lượng không khí nói riêng. “Hà Nội là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, đương nhiên sẽ là một thách thức không nhỏ” – bà Đỗ Vân Nguyệt nói.
Cũng theo chuyên gia này, một vấn đề nữa mà Hà Nội cần phải tháo gỡ để hiện thực hóa các mục tiêu bảo đảm chất lượng không khí chính là điểm nghẽn về mặt chính sách, cụ thể ở đây là chính sách kiểm soát khí thải xe máy. “Thách thức lớn nhất trong việc kiểm soát khí thải xe máy nằm ở chỗ, đây là phương tiện mưu sinh của nhiều người. Bởi vậy khi đề cập đến vấn đề này, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Đó cũng là một thách thức không nhỏ” – bà Đỗ Vân Nguyệt nói và nhấn mạnh, để tháo gỡ điểm nghẽn này, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân đối với vấn đề kiểm soát khí thải xe máy là rất quan trọng.
Cũng bàn luận đến vấn đề giảm phát thải từ phương tiện giao thông, TS Nguyễn Hương Huế - Ban Giao thông bền vững, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhấn mạnh đến giải pháp phát triển giao thông công cộng. Theo chuyên gia này, giao thông công cộng của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10 – 15% nhu cầu. Đây là con số rất khiêm tốn. Bởi vậy, một trong những giải pháp cần được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm là phát triển giao thông công cộng.
Còn theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), trước mắt, Chính phủ cần ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần tập trung vào các chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường; chính sách về hỗ trợ về công nghệ xử lý, sản phẩm thân thiện với môi trường… Đồng thời, thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải để xác định chính xác mức độ của các nguồn khí thải, từ đó có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu, xử lý đúng, hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.
Tháng 11 đánh dấu cho hành động chung vì bầu trời xanh
Bụi siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào mô phổi cũng như máu của con người, dẫn đến hen suyễn, bệnh tim, bệnh phổi, ung thư, một số bệnh về đường hô hấp và suy giảm nhận thức ở trẻ em.
Nếu không hành động để giải quyết các tác động đến sức khỏe, ô nhiễm không khí có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến mức tăng tuổi thọ đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình, thầm lặng.
Indonesia là quốc gia ô nhiễm nhất châu Á, nồng độ PM2.5 trong năm 2023 của nước này tăng 20% so với năm 2022. Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố vượt quá mức tiêu chuẩn của WHO, gấp 10 lần.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Riêng Hà Nội đứng thứ 233, TPHCM là 1.048 và Đà Nẵng là 1.182.
Thành phố Trà Vinh được IQAir đánh giá là nơi trong lành nhất (hạng 6.806) và quận Tây Hồ là nơi ô nhiễm nhất (hạng 71) Việt Nam trong năm 2023.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: "Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế." Đây không chỉ là một khẩu hiệu mà cần trở thành kim chỉ nam cho các hành động tiếp theo. Với sự đồng lòng của các cấp, ngành và cộng đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội, tiến tới một bầu trời xanh và không khí sạch cho các thế hệ mai sau.
Với quyết tâm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất cùng nhau chọn thời điểm Tháng 11 năm 2024 là điểm mốc, đánh dấu cho các hành động chung - các giải pháp phối hợp liên ngành - cam kết cho sự phối hợp và gắn kết giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí – một vấn đề ô nhiễm môi trường chung đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay.
Trên tinh thần “cùng nhau hành động” theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cần triển khai 5 nhóm giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đồng thời khẳng định: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành “Cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong công tác kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 5 nhóm giải pháp
Trong đó, thứ nhất là nhóm các giải pháp về thể chế chính sách, cần ban hành các chính sách tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng không khí, trong đó, cần tập trung vào các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; chính sách cho vay, hỗ trợ, ưu đãi “chuyển đổi xanh”; chính sách ưu đãi, hỗ trợ (thuế nhập khẩu) đối với thiết bị, công nghệ xử lý, giảm thiểu phát sinh khí thải; chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được tái chế từ sản phẩm thu hồi như phụ phẩm nông nghiệp; quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu và sản xuất trong nước…
Thứ hai, nhóm các giải pháp về kỹ thuật, đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu về nguồn thải, giám sát tự động các nguồn thải lớn và kết nối dữ liệu trực tuyến. Trên nguyên tắc chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố công khai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cần chuẩn hóa hệ thống quan trắc hiện có, trên cơ sở bổ sung thêm một số trạm quan trắc tự động đảm bảo số liệu được truyền, kết nối theo quy định về Sở TN&MT và Bộ TN&MT thường xuyên, liên tục và không bị gián đoạn; Tập trung triển khai Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI) cần được thực hiện nghiêm túc và kịp thời, nhằm công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí theo quy định.
Thứ ba, nhóm các giải pháp về quản lý, kiểm soát các nguồn thải di động, nguồn phân tán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Thứ tư, nhóm các giải pháp về truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tới người dân để chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.
Thứ năm, nhóm các giải pháp về nguồn lực, đề nghị các địa phương quan tâm, đầu tư nguồn lực cho kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải tác động đến chất lượng môi trường không khí, bổ sung diện tích cây xanh - mặt nước, tăng cường vệ sinh đường phố ... giảm thiểu phát tán ra môi trường. Về lâu dài, cần có đề án chuyển đổi hệ thống giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng với lộ trình thực hiện sớm nhất.