Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

TPHCM với nhiều lợi thế, đang tập trung vào phát triển công nghiệp văn hóa như một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững. Trong hội thảo ngày 16-10, tổ chức tại TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định rằng công nghiệp văn hóa là khâu đột phá trong giai đoạn phát triển mới. Vấn đề đặt ra là TPHCM cần gì để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với những lợi thế mà thành phố đang có?

Ấn tượng lễ hội sông nước TPHCM

Ấn tượng lễ hội sông nước TPHCM

Nâng tầm thương hiệu quốc tế của thành phố

Các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là những ngành kinh tế sáng tạo, mà còn là hơi thở của một thành phố đang vươn mình đổi mới như TPHCM. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, TPHCM với bề dày văn hóa đa dạng và năng động, dân số trẻ và sáng tạo, thị trường văn hóa rộng lớn, có thể trở thành trung tâm sáng tạo, nơi giao thoa của nghệ thuật, truyền thông, giải trí và giáo dục. Công nghiệp văn hóa mang trong mình khả năng biến đổi mạnh mẽ, tạo ra không chỉ giá trị kinh tế mà còn thổi hồn cho các giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam trong thời đại hội nhập.

Sự đầu tư đúng mức vào công nghiệp văn hóa không chỉ giúp nâng tầm thương hiệu quốc tế của TPHCM, mà còn làm giàu đời sống tinh thần, nâng cao phẩm chất đạo đức và sự tự hào về bản sắc dân tộc của người dân.

Tuy nhiên, điểm yếu trong phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM cũng không ít. Hạ tầng văn hóa, thể thao, giải trí vẫn chưa đáp ứng được quy mô và tiềm năng phát triển của thành phố. Mặc dù tiềm năng to lớn, nhưng các thiết chế văn hóa như nhà hát, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, và các sự kiện văn hóa quy mô quốc tế còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức, đã hạn chế TPHCM trở thành điểm đến của những sự kiện văn hóa mang tầm vóc toàn cầu, như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nhìn nhận.

Một điểm yếu nữa là việc thiếu chiến lược phát triển dài hạn và chính sách cụ thể để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Dù thành phố đã có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2035 trên địa bàn TPHCM, và nhiều chính sách hỗ trợ khác nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn còn ngần ngại vì thiếu sự hỗ trợ và các cam kết dài hạn từ chính quyền, cũng như hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi cho những người sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Ngoài ra, sự thiếu kết nối giữa các lĩnh vực văn hóa và công nghệ là một hạn chế lớn. TPHCM cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn kết giữa công nghệ và sáng tạo để tận dụng xu hướng số hóa và toàn cầu hóa trong ngành công nghiệp văn hóa, từ đó tạo ra những sản phẩm cạnh tranh với thị trường quốc tế.

 HÒ DÔ – lễ hội âm nhạc quốc tế TPHCM là một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với quảng bá sức sáng tạo đương đại của thành phố

HÒ DÔ – lễ hội âm nhạc quốc tế TPHCM là một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với quảng bá sức sáng tạo đương đại của thành phố

Như vậy, TPHCM có tiềm năng và thế mạnh lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng cần giải quyết những điểm yếu về hạ tầng, chính sách và sự liên kết để khai thác hết tiềm năng này, biến thành phố thành một trung tâm sáng tạo thực sự của khu vực và thế giới.

Cần giải pháp đồng bộ

Để phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, cần có những giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa chính sách, hạ tầng và sự sáng tạo, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thành phố.

Trước tiên, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng văn hóa và thể thao là một trong những giải pháp cấp thiết. TPHCM cần xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa như nhà hát, trung tâm nghệ thuật, bảo tàng, và khu giải trí quy mô lớn, tạo điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật mang tầm vóc quốc tế. Những không gian này không chỉ là nơi tổ chức sự kiện mà còn là điểm đến du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của thành phố.

Chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư là giải pháp quan trọng. Chính quyền cần ban hành các chính sách ưu đãi và cơ chế thuận lợi hơn để thu hút sự tham gia của khối tư nhân và các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm việc tạo ra các quỹ đầu tư văn hóa, giảm thuế cho các doanh nghiệp văn hóa, và hỗ trợ vay vốn cho những dự án sáng tạo. Đồng thời, cần có những cam kết dài hạn từ phía chính quyền để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, như đồng chí Phan Văn Mãi đã đề cập.

Xây dựng thương hiệu TPHCM với tư cách là một "thành phố sáng tạo" trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng rất quan trọng. Thành phố cần tập trung vào các giải pháp chiến lược, lấy sáng tạo làm nền tảng. Trong đó, thành phố phải xác định lĩnh vực sáng tạo đặc trưng, có thể là âm nhạc, thiết kế truyền thông, điện ảnh để giúp TPHCM định vị được vai trò độc đáo trong mạng lưới quốc tế và tạo sự khác biệt với các thành phố khác.

Đồng thời, tạo điều kiện để phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm nghệ thuật, công viên công nghệ và thiết kế hỗ trợ cộng đồng nghệ sĩ, nhà sáng tạo, và doanh nghiệp sáng tạo; khuyến khích khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các start-up, dự án nghệ thuật, và sáng kiến văn hóa phát triển. TPHCM cần tham gia tích cực vào các chương trình, sự kiện quốc tế của UNESCO, đồng thời thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh và giá trị sáng tạo của thành phố ra toàn cầu, từ đó khẳng định vị thế là một "thành phố sáng tạo" trong mạng lưới này.

Tận dụng công nghệ và chuyển đổi số

Trong bối cảnh số hóa, tận dụng công nghệ và chuyển đổi số trong công nghiệp văn hóa là yếu tố quan trọng để bắt kịp xu hướng toàn cầu. TPHCM có thể phát triển các nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất phim, âm nhạc, thiết kế, trò chơi điện tử, hay quảng bá du lịch văn hóa. Việc kết hợp giữa văn hóa và công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn mở rộng thị trường, tiếp cận được đông đảo công chúng cả trong và ngoài nước.

Cùng đó, xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên sâu về công nghiệp văn hóa là giải pháp lâu dài. Các trường đại học và cơ sở đào tạo cần được liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp văn hóa lớn để đào tạo nhân lực có kỹ năng, kiến thức chuyên sâu về sáng tạo và quản lý văn hóa. Điều này giúp phát triển lực lượng lao động sáng tạo, có khả năng dẫn dắt sự phát triển bền vững của ngành.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế là cách để TPHCM học hỏi từ các trung tâm công nghiệp văn hóa trên thế giới. Thành phố cần thúc đẩy việc ký kết các hiệp định hợp tác với các thành phố sáng tạo quốc tế, tổ chức các hội nghị, diễn đàn văn hóa quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của TPHCM trên bản đồ văn hóa thế giới mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và nghệ sĩ địa phương.

Sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và những chính sách khuyến khích đầu tư sẽ tạo nên nền móng vững chắc để công nghiệp văn hóa TPHCM phát triển, đóng góp tích cực vào sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cuối cùng, tôi cho rằng, sự phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM không chỉ là một bước đi chiến lược trong giai đoạn mới của đất nước, mà còn là yếu tố then chốt để thành phố khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Với tiềm năng to lớn về văn hóa, sáng tạo và nhân lực, TPHCM có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm sáng tạo khu vực.

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành thực tế, thành phố cần sự đồng bộ trong đầu tư hạ tầng, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo", cùng việc ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Sự kết hợp giữa văn hóa và công nghệ, giữa truyền thống và hiện đại sẽ tạo nên nền tảng vững chắc, giúp TPHCM không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đóng góp vào quá trình vươn mình của đất nước.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-phap-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-tphcm-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dat-nuoc-post764087.html