Giải pháp phát triển kinh tế hộ ở Quyết Tiến

Xã Quyết Tiến (Quản Bạ), là xã cửa ngõ Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 35 km, cách trung tâm huyện gần 10 km; có độ cao trung bình khoảng 900 m so với mực nước biển; điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ; nguồn nhân lực dồi dào; đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với điều kiện đó, Quyết Tiến tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, chú trọng việc phát triển trồng trọt nhằm đa dạng hóa cây trồng; tạo động lực cho người dân phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.

Anh Vàng Thìn Nghì (trái) kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây Sâm dây Ngọc Linh.

Anh Vàng Thìn Nghì (trái) kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây Sâm dây Ngọc Linh.

Nhận thấy, cây Sâm dây Ngọc Linh có tiềm năng, lợi thế lớn trên thị trường; phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, anh Vàng Thìn Nghì, thôn Đông Tinh mạnh dạn chuyển đổi gần 10 ha diện tích cây Đương quy sang trồng Sâm dây Ngọc Linh. Hiện nay, anh đã trồng được hơn 2 ha, do tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu chăm sóc, cây đang phát triển tốt; dự kiến cây cho thu hoạch sau 18 tháng, sản lượng ước đạt khoảng 8 tấn/1 ha. Nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm, anh liên kết với Công ty TNHH an toàn thực phẩm Hà Nội trong việc tiêu thụ.

Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Lê Trung Kiên, cho biết: Xã có tổng diện tích tự nhiên gần 6.500 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 25%. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết chung tay tham gia phong trào phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập hàng năm cho các hộ trồng rau, hoa, dược liệu từ 150 – 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế hộ vẫn mang tính tự phát, chưa sát với quy hoạch; hạ tầng giao thông, thủy lợi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; hệ thống bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch chưa có; chưa hình thành vững chắc liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng; trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, manh mún; các doanh nghiệp chưa thực sự mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Để khắc phục những khó khăn trên, phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế hộ, Đảng bộ xã tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính uyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ xã đến thôn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; vận động người dân thành lập các tổ, đội sản xuất để thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; rà soát, quy hoạch để xác định vùng cây hàng hóa trên cơ sở lợi thế của từng vùng; đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi; tập huấn cho nhân dân và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiêu đầu tư công nghệ. nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch…

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, sự thuận lòng của người dân, tin tưởng rằng thời gian không xa, Quyết Tiến là xã tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202011/giai-phap-phat-trien-kinh-te-ho-o-quyet-tien-767832/