Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao
Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Giáo dục Study Group chia sẻ về một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực, gắn với thị trường lao động...

Giờ thực hành của thầy - trò Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM và xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, ông Ian Crichton - Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Giáo dục Study Group chia sẻ về một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực, gắn với thị trường lao động.
Mở rộng và kết nối
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động trong lĩnh vực STEM?
- Thị trường lao động luôn luôn thay đổi nhưng không ai biết rõ thay đổi đó sẽ như thế nào. Rất nhiều người có ý kiến, nhưng tôi không tin họ thực sự nắm chắc được vì trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động khổng lồ lên thị trường lao động ngày nay.
Nếu nói về việc làm dành cho những người đang học đại học, thì lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất là STEM. Đây là lĩnh vực chủ yếu liên quan đến công nghệ, kỹ thuật... Trong khi hầu hết quốc gia khác dân số đang già hóa thì dân số Việt Nam còn trẻ. Thế hệ dân số này cần được chăm sóc nhiều hơn.
- Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về giải pháp phát triển nhân lực trong lĩnh vực này?
- Có nhiều giải pháp để phát triển nhân lực lĩnh vực STEM, trong đó cần tăng cường tương tác với chuyên gia nước ngoài. Có thể mời họ đến Việt Nam hoặc có thể ra nước ngoài để kết nối với họ. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào các giải pháp “nội bộ” thì không đủ, mà cần mở rộng ra phạm vi toàn cầu.
Con người luôn cần sự kết nối. Trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối trên phạm vi toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể chỉ sống và phát triển trong giới hạn nhỏ hẹp ở một quốc gia, mà phải mở rộng ra thế giới để thích nghi và tiến xa hơn.
Kỳ vọng đối với các công việc hiện nay đã thay đổi, ngay cả với những công việc không phải thuộc khối STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Giờ đây, bạn được kỳ vọng phải biết sử dụng công nghệ, ít nhất biết họp trực tuyến qua video, sắp xếp lịch làm việc sao cho có thể chia sẻ với người khác, tận dụng Internet và hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu. Vì vậy, dù tên công việc có thể như cũ nhưng yêu cầu thực tế để làm tốt công việc đó đã khác so với trước đây.

Ông Ian Crichton. Ảnh: NIC
AI mang đến cơ hội nhưng ẩn chứa rủi ro
- Vậy theo ông, sinh viên nói riêng, người lao động nói chung cần làm gì để bắt kịp xu hướng và có giá trị với nhà tuyển dụng?
- Điều quan trọng nhất lúc này là phải có năng lực học hỏi. Nói cách khác, có khả năng học tập chủ động và liên tục. Nếu như 30 - 40 năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp, việc học thường đến từ gia đình hoặc lao động chân, tay. Khi đó, bạn có thể quan sát cách người khác làm việc rồi bắt chước và dần trở nên thành thạo. Song, với các công việc hiện đại ngày nay, cách học như vậy không còn phù hợp.
Bây giờ, việc biết đọc, viết và sử dụng tốt các công cụ thông tin, tức là “có kỹ năng đọc - viết và công nghệ” cực kỳ quan trọng. Bạn cần giỏi ngôn ngữ mẹ đẻ để có thể giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh. Bên cạnh đó, nên học thêm một ngoại ngữ, lý tưởng nhất là tiếng Anh để có thể giao tiếp toàn cầu và tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội quốc tế.
Bạn cũng cần thành thạo trong sử dụng các thiết bị công nghệ - hiểu cách vận hành và biết khai thác chúng phục vụ cho công việc. Và cuối cùng, bạn phải sẵn sàng và tự tin trong việc tương tác với mọi người, vì ngày nay ít công việc có thể làm mà không cần giao tiếp hay làm việc nhóm với người khác.
Tóm lại, điều này đặt ra yêu cầu rõ ràng cho người trẻ ở Việt Nam rằng: Cần đầu tư nghiêm túc cả về thời gian và nếu có thể cả tiền bạc, để trang bị kỹ năng và kiến thức ngay từ sớm, nếu họ muốn thực sự tham gia và hưởng lợi từ các cơ hội mà những công việc mới của thời đại mang lại.
Việc “kết nối” và “giao thoa” giữa các lĩnh vực, con người với nhau đang trở nên cực kỳ quan trọng, bởi bạn cần tạo được cầu nối giữa nơi mình đang đứng với nơi người khác đang ở.
Ví dụ, trong lĩnh vực STEM, mà cụ thể ngành phần mềm, bạn có thể có thành viên giỏi về lập trình, hiểu rõ cách viết mã. Bạn cũng có một người khác giỏi trong việc nắm bắt nhu cầu kinh doanh. Nhưng nếu hai người này không hiểu nhau, thì sản phẩm cuối cùng khó thành công.
Vì thế, người làm lập trình cần hiểu được phần nào nhu cầu và bối cảnh kinh doanh, còn người làm kinh doanh cần hiểu sơ bộ về khả năng và giới hạn của công nghệ. Khả năng tạo ra sự kết nối giữa hai bên đó chính là kỹ năng cầu nối (bridging) và nó trở thành một kỹ năng thiết yếu.
Tương tự, trong bối cảnh kinh doanh quốc tế, nếu bạn sống ở Việt Nam, bạn cần hiểu rõ cách Việt Nam vận hành về văn hóa, pháp lý, thói quen, cách làm việc... Nhưng đồng thời, bạn cần biết thế giới bên ngoài đang hoạt động thế nào để có thể tương tác hiệu quả. Tất nhiên, thế giới cũng cần “mở cửa” để tạo điều kiện cho sự kết nối đó. Hiện tại điều này ngày càng khó hơn khi nhiều quốc gia khác theo xu hướng bảo hộ.
Sau một thời gian dài thế giới ngày càng mở và toàn cầu hóa, thì bây giờ, khi sự kết nối trở nên phức tạp hơn, kỹ năng để giao tiếp, hợp tác và hiểu lẫn nhau giữa các quốc gia, lĩnh vực, ngành nghề... càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
- Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế người lao động không và AI đang tác động như thế nào đến thị trường lao động?
- Theo tôi, AI sẽ đẩy người lao động ra khỏi vị trí cũ chứ không hoàn toàn thay thế họ. Nghĩa là, AI không thay thế con người theo cách tuyệt đối, mà nó thay đổi bản chất của công việc khiến người lao động phải dịch chuyển sang một lĩnh vực khác, hoặc đảm nhận vai trò khác.
AI vừa mang đến cơ hội, vừa ẩn chứa rủi ro. Chẳng hạn trong ngành Y tế, đặc biệt chẩn đoán những bệnh hiếm gặp. Nếu một bệnh nhân mắc căn bệnh hiếm và phải chụp chiếu hình ảnh (như X-quang hoặc MRI) để phát hiện bệnh, thì một bác sĩ bình thường có thể chỉ gặp từ 7 đến 8 trường hợp như vậy mỗi năm. Điều này khiến kinh nghiệm chẩn đoán của họ bị giới hạn.
Nhưng nếu ta thu thập tất cả dữ liệu từ hàng nghìn bác sĩ trên toàn thế giới, tập hợp hàng trăm nghìn hình ảnh bệnh đó và huấn luyện một hệ thống AI để phân tích, thì AI có thể chẩn đoán chính xác hơn con người rất nhiều trong trường hợp cụ thể đó - ví dụ như nhận diện ung thư.
Khi đó, công việc của bác sĩ trong việc đọc ảnh chụp sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng thực chất, AI chỉ thay thế một phần công việc - phần chuyên biệt mà nó được huấn luyện để làm. AI không thể xử lý những vấn đề tổng quát hơn, hoặc bệnh khác nằm ngoài phạm vi được đào tạo. Ví dụ, nếu tấm X-quang có dấu hiệu một căn bệnh khác, không phải ung thư mà AI được lập trình tìm kiếm, thì nó sẽ bỏ sót.
Do đó, công việc không biến mất hoàn toàn, mà được tái cấu trúc, tái phân bổ. AI sẽ lo phần chuyên môn hóa cao, còn con người cần đóng vai trò kiểm soát tổng thể, liên kết các vấn đề khác nhau, hoặc xử lý tình huống phức tạp hơn mà AI chưa thể làm được.

Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: TG
Sinh viên được học STEM sẽ có lợi thế lớn
- Với vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành liên quan đến STEM, Study Group hiện có những hỗ trợ nào dành cho sinh viên Việt Nam?
- Về cơ bản, Study Group đã hợp tác với một số trường đại học hàng đầu tại Mỹ trong các lĩnh vực như: Phần mềm, công nghệ và kinh doanh. Chúng tôi lựa chọn các trường không chỉ đạt tiêu chuẩn học thuật cao mà còn có vị trí địa lý đa dạng. Điều này có nghĩa, dù sinh viên Việt Nam muốn học ở bất kỳ vùng nào của nước Mỹ, chúng tôi đều có thể giới thiệu một trường phù hợp trong hệ thống đối tác của mình.
Tất cả trường đại học này có khuôn viên hiện đại, sôi động và mang đến cho sinh viên cơ sở vật chất tốt - từ chỗ ở, tiện ích học tập, đến các hoạt động thể thao và ngoại khóa. Cuộc sống sinh viên cũng là một phần quan trọng trong hành trình học tập. Chúng tôi tin rằng, sinh viên không chỉ nên học để lấy bằng hay việc làm, mà cần tận hưởng tuổi trẻ và có những trải nghiệm đáng nhớ tại trường đại học.
Liên quan đến AI, các trường đang tích cực cập nhật chương trình giảng dạy để bắt kịp xu hướng công nghệ mới. Sinh viên sẽ có cơ hội quan sát và học hỏi những chuyển đổi này trong thời gian thực. Đây là trải nghiệm học tập rất giá trị.
Ngoài ra, các trường đại học mà chúng tôi liên kết có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty hàng đầu tại Mỹ - từ những tập đoàn lớn như Google, Nvidia, Microsoft, Amazon đến các doanh nghiệp nhỏ hơn nhưng rất sáng tạo và đang làm việc với công nghệ tiên tiến. Việc tiếp cận các công ty này từ các trường đại học vô cùng thuận lợi.
- Ông đánh giá thế nào về sinh viên Việt Nam và những lưu ý với bạn trẻ muốn đi du học?
- Điều mà nhiều sinh viên có thể chưa nhận ra là, ngay khi hoàn thành chương trình du học, họ đã trở thành nhóm tinh hoa trong xã hội. Bởi vì, thực tế, phần lớn người dân ở quê hương họ sẽ không có cơ hội được ra nước ngoài học tập. Họ không được tiếp cận với những tư duy, góc nhìn và nền văn hóa đa dạng như du học sinh đã trải qua.
Vì thế, nếu quyết định quay trở về Việt Nam, họ có lợi thế lớn hơn rất nhiều so với trước khi đi. Họ có thể mang những điều đã học được về và áp dụng để cải thiện chính quê hương của mình - đó là lựa chọn đáng cân nhắc.
Một điều khác mà tôi nghĩ nhiều sinh viên cũng không để ý là: Sinh viên Việt Nam thực sự đạt được một tấm bằng giá trị hơn cả người Mỹ hay người Anh. Bởi vì các bạn không chỉ học đại học, mà còn học bằng ngôn ngữ thứ hai, trong khi phải rời xa gia đình, sống trong môi trường không thoải mái như quê nhà. Đó là thành tựu lớn hơn rất nhiều.
Vì thế, khi đi xin việc, chỉ cần tiếng Anh đủ tốt thì họ hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng - thậm chí vượt trội. Cá nhân tôi khi tuyển dụng không quan tâm nhiều người đó đến từ đâu, mà sẽ nhìn vào họ làm được gì, thể hiện như thế nào và những kỹ năng họ mang theo bên mình.
Nếu họ đã du học thì nên có đầy đủ kỹ năng để thể hiện mình một cách tốt nhất. Điều đó đồng nghĩa, nếu họ muốn làm việc ở nước ngoài thì dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi ngày nay lực lượng lao động ở hầu hết quốc gia rất đa dạng. Điều quan trọng không còn là bạn đến từ đâu, mà bạn biết gì và làm được gì.
Còn khi nói đến STEM, đặc biệt là AI, thì hiện tại không ai thật sự biết rõ toàn bộ lợi ích mà nó mang lại trong tương lai. Vì vậy, những sinh viên được học STEM trong các trường đại học, những người được tiếp cận với tư duy và kiến thức cập nhật nhất về lĩnh vực này, sẽ là những người có lợi thế lớn nhất để nghĩ ra cách ứng dụng AI vào thực tế.
Những người kiếm được hàng tỷ USD nhờ Internet không phải chỉ hiểu kỹ thuật, mà là những người biết cách nghĩ khác đi và tìm ra hướng khai thác công nghệ khi nó còn rất mới. Khi Internet lần đầu xuất hiện, không ai thật sự biết nên làm gì với nó - ban đầu nó chỉ dùng cho việc trao đổi thông tin cơ bản. Nhưng hôm nay, bạn thấy rồi đấy, Internet đã thay đổi mọi thứ.
“Hiện, AI còn chưa thật sự bắt đầu, nên cơ hội để khám phá và định hình cách nó được dùng trong tương lai còn rộng mở. Vì vậy, lợi thế lớn nhất của việc theo học các ngành này và có được trải nghiệm quốc tế là bạn sẽ thuộc nhóm người có thể tạo ra các ứng dụng thực sự đột phá cho AI trong những năm tới”. - Ông Ian Crichton