Giải pháp phục hồi kinh tế Việt Nam do tác động đại dịch Covid-19
Ngày 23/7 diễn ra hội thảo 'Dịch Covid-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam' nhằm cung cấp thêm thông tin và giải pháp cho những quyết sách của Chính phủ Việt Nam trước tác động và giải pháp phục hồi kinh tế với đại dịch Covid-19.
Hội thảo lần này do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen – Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo lần này, các đánh giá và đề xuất được đưa ra sẽ giúp chính phủ Việt Nam tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện để bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình kinh doanh dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động, cùng với đó là đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SGDs) trong trạng thái “bình thường mới” an toàn với Covid-19.
Theo công bố của Tổng Cục thống kê, tính đến cuối tháng 4/2020 có 83% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đai dịch Covid-19. Giãn cách xã hội làm giảm mạnh doanh thu trong các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, giao thông, kéo theo thất nghiệp tăng mạnh (5 triệu người mất việc làm).
Bên cạnh đó, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa hạ nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới khiến cho nhiều nước tăng trưởng âm từ quý I đến nay. Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm 13 – 32% vào năm 2020, kéo theo kỳ vọng cho đầu tư, nhập khẩu và xuất khẩu giảm, cùng với đó là giảm đầu tư về FDI, giảm hỗ trợ phát triển và kiều hối.
Cùng với ảnh hưởng và các tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thị trường nhập khẩu sẽ có dấu hiệu phục hồi, là cơ sở cho sự phục hồi ngành chế biến, chế tạo và sản xuất.
Trong 6 tháng cuối năm, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát đang trong xu thế giảm; tăng trưởng tín dụng ở mức thấp là cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Xu hướng “bình thường mới” của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại.../.