Giải pháp tài chính số bứt phá cho doanh nghiệp

Ngày 26/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Fintech 2025 với chủ đề 'Chiến lược tài chính số cho doanh nghiệp' do Swinburne Vietnam tổ chức nhằm mang đến góc nhìn chiến lược và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tài chính cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ cách ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) để tối ưu vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng trong kỷ nguyên số.

Hiện nay, trước làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, Fintech đang từng bước thay đổi cách doanh nghiệp quản trị tài chính, từ quy trình thanh toán, kiểm soát chi phí đến dự báo và ra quyết định chiến lược. Tại Việt Nam, các mô hình ngân hàng số, ví điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, tăng tính linh hoạt và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

 Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Vietnam phát biểu tại Hội thảo.

Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Vietnam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Vietnam đồng thời là Chủ tịch Hội thảo Fintech 2025 cho biết, đây là sự kiện rất bổ ích đối với các doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp tham gia có cơ hội tiếp cận giải pháp tài chính số phù hợp, mở rộng kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác chiến lược trong hệ sinh thái tài chính số đang không ngừng mở rộng.

“Đây được kỳ vọng là nền tảng thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển mình mạnh mẽ, tăng cường khả năng thích ứng và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên số”, Tiến sĩ Hoàng Việt Hà chia sẻ.

Theo bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, nơi công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Với vai trò vừa là công cụ, vừa là động lực, vừa là nền tảng để kinh tế số phát triển thì sự phát triển mạnh mẽ của Fintech sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế số, và ngược lại, một nền kinh tế số trưởng thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho fintech bùng nổ.

 Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Sự phát triển nhanh chóng của Fintech trong những năm gần đây là một biểu hiện sinh động của quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Các mô hình như thanh toán số, ví điện tử, cho vay ngang hàng (P2P lending), ngân hàng số, công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích tín dụng, cùng nhiều hình thức đổi mới sáng tạo khác đã và đang từng bước làm thay đổi căn bản cách thức cung ứng dịch vụ tài chính-ngân hàng truyền thống.

“Fintech không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện hiệu quả vận hành, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên - Giám đốc Đào tạo, Trưởng khoa Kinh doanh và Tài chính (Asia University Vietnam).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên - Giám đốc Đào tạo, Trưởng khoa Kinh doanh và Tài chính (Asia University Vietnam).

Tại Hội thảo, nhiều diễn giả cũng đồng quan điểm khi cho rằng Fintech là một xu thế tất yếu trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Việc chủ động thích ứng, kiến tạo thể chế phù hợp và thúc đẩy sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam tận dụng hiệu quả cơ hội mà Fintech mang lại, đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh.

Đáng chú ý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Liên - Giám đốc Đào tạo, Trưởng khoa Kinh doanh và Tài chính, Asia University Vietnam, đã gợi mở vấn đề kết nối Đại học và Doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tài chính số trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ tác động nhiều đến yêu cầu về nhân lực. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực tài chính số đang tăng nhanh, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn cần được thu hẹp, và sự hợp tác chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa thành công.

Ngoài ra, cũng theo một số diễn giả, bên cạnh những tiềm năng to lớn, Fintech đang đặt ra nhiều thách thức về quản lý và yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bắt kịp với tốc độ đổi mới công nghệ, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới mô hình kinh doanh mới, các rủi ro về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân, phòng chống rửa tiền và tội phạm công nghệ cao; bảo đảm sự cân đối giữa đổi mới sáng tạo và ổn định tài chính; củng cố lòng tin của người tiêu dùng; bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính quốc gia...

Trong bối cảnh đó và nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là "bộ tứ chiến lược”, bao gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã và đang quan tâm hoàn thiện thể chế pháp luật trong đó có khung khổ pháp lý cho hoạt động Fintech như Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, 2025 trong đó có các quy định về chấm điểm tín dụng (credit scoring), chia sẻ dữ liệu qua Open API, cho vay ngang hàng (P2P lending), Nghị định số 94/2025 của Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế sandbox trong lĩnh vực ngân hàng. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 về Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC).

TIN VÀ ẢNH: HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giai-phap-tai-chinh-so-but-pha-cho-doanh-nghiep-post896695.html