Giải pháp tài chính số cho doanh nghiệp hiện đại: Góc nhìn từ các chuyên gia tại Fintech 2025
Ngày 26/7/2025 vừa qua, Hội thảo 'Fintech 2025 – Chiến lược tài chính số cho doanh nghiệp' do Swinburne Vietnam tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính số. Sự kiện là diễn đàn quy mô, hướng đến cập nhật xu hướng mới và đề xuất giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng.
Diễn đàn thảo luận những giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - công nghệ
Hội thảo có sự tham gia của hàng loạt chuyên gia đầu ngành đến từ các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, tổ chức giáo dục và cơ quan hoạch định chính sách, tập trung thảo luận các xu hướng tài chính số cùng nhiều giải pháp công nghệ tài chính hiện đại hàng đầu hiện nay. Qua đó, sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân quan tâm lĩnh vực tài chính số.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Vietnam và cũng là Chủ tịch Hội thảo, nhấn mạnh: “Hội thảo Fintech 2025 quy tụ hệ sinh thái toàn diện trong lĩnh vực tài chính - từ các doanh nghiệp tài chính hàng đầu, viện tư vấn chính sách, trường đại học đến cộng đồng sinh viên. Đây là không gian kết nối và hợp tác để cùng nhau kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài chính số Việt Nam.”

TS. Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Vietnam & Chủ tịch Hội thảo, phát biểu khai mạc Fintech 2025
Nhiều nội dung quan trọng đã được trình bày và thảo luận tại hội thảo, tập trung vào việc áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong lĩnh vực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện, giúp doanh nghiệp – đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ – nâng cao khả năng quản trị tài chính, tối ưu chi phí và mở rộng cơ hội đầu tư.
Tại hội thảo, PGS.TS. Dimitrios Salampasis, Trưởng khoa FinTech từ Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), trình bày chủ đề “Xu hướng Tài chính 2.0 trên thế giới và triển vọng tại Việt Nam”. Ông nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và AI trong chuyển đổi ngành tài chính, đặc biệt qua open banking và các công nghệ mới: “AI chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thương vụ đầu tư Fintech. Nói cách khác, AI trong tài chính đang được ưu tiên hàng đầu.” Bên cạnh đó, ông cũng đề cao tài chính bền vững (ESG) và tài chính nhúng như những xu hướng định hình tương lai Fintech.
Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp giải pháp tài chính số toàn diện, TS. Trần Mạnh Nam (VNPAY) chia sẻ những thách thức mà SMEs đang đối mặt như thiếu vốn, nhân lực chất lượng, quy trình thủ công và khó cạnh tranh số. Ông giới thiệu hệ sinh thái giải pháp số của VNPAY gồm thanh toán QR, SmartPOS, hóa đơn điện tử, chữ ký số và báo cáo thuế tự động. Các giải pháp giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, vận hành hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để SME tối ưu và bứt phá trong kỷ nguyên số.
Tiếp nối chương trình, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Fiingroup, chia sẻ về tầm quan trọng của ứng dụng dữ liệu trong quản lý tài chính: “Dòng chảy của dữ liệu và thông tin là dòng chảy quan trọng nhất. Chính nhờ đó mà các dòng chảy khác như đầu tư, xuất nhập khẩu, hay vốn mới có thể diễn ra.” Ông khuyến khích các SME khai thác hiệu quả “dữ liệu nội bộ” sẵn có thông qua những câu hỏi đúng và kỹ thuật “5 Whys” để truy nguyên vấn đề gốc rễ. Bài chia sẻ cũng đưa ra các quy tắc vàng trong khai thác dữ liệu từ cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Chia sẻ về ứng dụng thực tiễn, bà Nguyễn Thị Ngoan, Giám đốc Tài chính của MISA kiêm Giám đốc điều hành Jetpay, nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc quản trị tài chính nội bộ. Theo bà, việc số hóa quy trình kế toán – tài chính, tích hợp dữ liệu theo thời gian thực giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, minh bạch hóa hoạt động và nâng cao năng lực ra quyết định.
Với góc nhìn từ ngành ngân hàng, TS. Henry K. Lam, Giám đốc cấp cao Khối Ngân hàng số doanh nghiệp, Techcombank, nhấn mạnh chuyển đổi số đang định hình lại tài chính cho SME qua các xu hướng như thương mại khu vực, chuỗi cung ứng và phát triển bền vững. Ông giới thiệu các giải pháp như vay số, thuê tài chính, tài trợ thương mại, cùng các xu hướng mới như ngân hàng mở, BaaS và sandbox P2P Lending. Những đổi mới này giúp SME tiếp cận tài chính linh hoạt và hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số.
Từ góc độ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, PGS.TS. Phạm Thị Liên, Giám đốc Đào tạo Asia University Vietnam, nhấn mạnh sự bùng nổ của Fintech đang kéo theo nhu cầu mạnh mẽ về nguồn nhân lực tài chính số. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa đào tạo đại học và yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Bà đề xuất giải pháp thông qua mô hình hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hội thảo có sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính số từ nhiều quốc gia
Đào tạo nhân lực và kết nối hệ sinh thái tài chính số
Sự tăng tốc của tài chính số đang tái định hình toàn diện hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời làm thay đổi sâu sắc các yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngành tài chính. Nhu cầu nhân lực tăng cao, nhưng cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về khả năng ứng dụng công nghệ và tư duy số.

Các chuyên gia thảo luận về xu hướng và bức tranh toàn cảnh ngành tài chính số
Tại hội thảo Fintech 2025, bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ tài chính hiện đại cho doanh nghiệp, nội dung về đào tạo và phát triển nhân lực tài chính số cũng nhận được sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Hội thảo lần này cũng đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và trường đại học, hướng đến mục tiêu chung: xây dựng một thế hệ nhân lực tài chính số chất lượng cao, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu thị trường.
Theo đó, chương trình đào tạo ngành Tài chính tại Swinburne Vietnam và Asia University Vietnam cũng được giới thiệu trong khuôn khổ hội thảo. Cả hai được đánh giá là những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong đào tạo tài chính theo định hướng công nghệ, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn doanh nghiệp. Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và thị trường, giúp sinh viên hiểu rõ nhu cầu nhân lực và sẵn sàng hội nhập ngay từ khi còn trên giảng đường.
Việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – nhà hoạch định chính sách sẽ là giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nhân lực trong giai đoạn tăng tốc số hóa ngành tài chính hiện nay.