Giải pháp thành phố nổi

Trước hiện tượng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, đã có ý tưởng xây dựng các thành phố nổi như một giải pháp lâu dài 'sống chung với lũ'.

Hình thù thành phố nổi Oceanix Busan trong tương lai.

Hình thù thành phố nổi Oceanix Busan trong tương lai.

Một trong những dự án như thế đang được triển khai tại Busan, Hàn Quốc, sử dụng cả công nghệ truyền thống lẫn công nghệ cao để xây dựng một thành phố quy mô lớn trên mặt nước đủ chỗ cho hơn 10.000 người sinh sống.

Nói đúng ra, thế giới đã có những khu phố nổi như các khu ở Hà Lan, Thái Lan và một số nơi ở Đông Nam Á. Nhưng chúng chỉ là các nhà thuyền kết nối lại với nhau thành một khối. Điều làm ý tưởng thành phố nổi khác hẳn là quy mô; chúng sẽ là các thành phố thật sự xây trên các bệ xi măng cốt thép khổng lồ nổi lơ lửng trên mặt nước.

Làm sao xi măng cốt thép nặng nề có thể nổi trên nước? Koen Olthuis, nhà sáng lập hãng kiến trúc Hà Lan Waterstudio, nói với tờ New York Times, cho các bệ xi măng này nổi là chuyện đơn giản. Hãng Waterstudio của ông đang thiết kế một dự án thành phố nổi ở Maldives. “Một khối bê tông thả vào nước sẽ chìm. Nhưng nếu ta đúc nó thành chiếc hộp rỗng, nó sẽ nổi” – Olthuis giải thích. Điều này cũng tương tự các hàng không mẫu hạm nặng nề nhưng vẫn nổi trên biển.

Thành phố nổi đang được xây dựng ở Busan là nỗ lực phối hợp của nhiều bên, gồm Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc (UN Habitat), hãng kiến trúc BIG (Bjarke Ingels Group) và Công ty Công nghệ Oceanix. Thành lập vào năm 2018, Oceanix, có trụ sở ở New York, đã thiết kế và xây dựng những công trình nổi mà con người có thể sinh sống và làm việc trên biển. Theo UN Habitat, có đến 90% các thành phố đều nằm sát bờ biển, chịu rủi ro nước biển dâng.

Hiện nay, khi các thành phố cần phát triển diện tích để chứa thêm nhiều người, cách làm thường thấy là lấn biển, dùng đất đá, xi măng lấp dần để có chỗ xây dựng nhà cửa. Đây không phải là cách làm bền vững.

Thành phố nổi Oceanix Busan phát triển theo cách khác. Người ta đúc các nền tảng bê tông kết nối với nhau, được thiết kế để trải rộng ra trên một diện tích chừng 6,3 héc ta, đủ chỗ cho 12.000 người dân sinh sống. Thành phố này được kết nối với đất liền bằng một cây cầu; mọi khối bê tông được neo vào đáy biển. Cơ sở hạ tầng sẽ gồm nguồn điện tái tạo, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, trồng rau xanh. Itai Madamombe, một trong hai nhà sáng lập của Oceanix, cho biết mục tiêu không chỉ là tự chủ mà còn có thể sản xuất đủ năng lượng để cung cấp cho các cộng đồng lân cận.

Theo kế hoạch, việc đúc các khối bê tông có thể ráp nối với nhau sẽ bắt đầu tại Hàn Quốc vào cuối năm nay. Sau đó, người ta sẽ kéo chúng về địa điểm đã định, thả neo và kết nối. Bà Madamombe cho rằng cách làm này giúp họ tính linh hoạt, có thể xây thêm càng nhiều càng tốt. Thành phố dự tính sẽ được phát triển dần, với mục tiêu có đến 150.000 người dân sinh sống. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Các khối bê tông Busan được đúc thành hình lục giác, giúp chúng ổn định, không bị nhồi theo sóng như nhà thuyền. Hãng kiến trúc BIG đang phối hợp với MIT và các hãng công nghệ hải dương để bảo đảm các khối nhà chịu được sóng biển hay các đợt gió lớn khi có bão. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ đã qua xử lý để cho nhẹ và bền. BIG cũng đang xây dựng một cộng đồng gồm 72 căn nhà nổi ở Copenhagen gần một hòn đảo bỏ hoang, trước đây từng là cơ sở đóng tàu.

Các quy chuẩn áp dụng cho thành phố nổi là chưa có nên các nhà phát triển muốn sử dụng dự án Busan như một thành phố thí điểm để từ đó biên soạn các quy tắc có thể áp dụng cho các nơi khác. Busan được chọn vì thành phố này mong muốn ứng dụng công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu; chính quyền Busan đã hỗ trợ các bên tham gia để họ có thể triển khai dự án nhanh chóng.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-phap-thanh-pho-noi/