Giải pháp thi công đường cao tốc theo công nghệ cầu bản rỗng trên cọc
Bộ Xây dựng vừa tổ chức đoàn công tác tới tham quan công trình mẫu và nghe báo cáo về giải pháp thi công đường cao tốc theo công nghệ cầu bản rỗng trên cọc do Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất.
Buổi tham quan, làm việc nhằm đánh giá toàn diện tiềm năng ứng dụng thực tế của giải pháp thi công đường cao tốc theo công nghệ cầu bản rỗng trong thi công các dự án hạ tầng giao thông.

Thử tải cầu cạn bằng dầm bản rỗng trên cọc ly tâm PRC tại khu phi thuế quan, cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.
Bộ Xây dựng: Thẩm định, đánh giá, xem xét khả năng áp dụng
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình báo cáo: Mô hình công nghệ cầu bản rỗng trên cọc đã được doanh nghiệp xây dựng thử nghiệm thành công tại vùng đất yếu thuộc khu phi thuế quan Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng và KCN Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Đoạn cao tốc cầu cạn thử nghiệm tại Hải Phòng được xây dựng trên nền đất yếu thuộc khu vực cảng Lạch Huyện, có chiều dài tầng 1 khoảng 550m, tầng 2 khoảng 100m, bề rộng mặt cầu cạn 10,5m (đường cầu Vạn). Thời gian xây dựng công trình thử nghiệm chỉ trong 2 tháng. Sau khi hoàn thành, công trình thử nghiệm này đã tiến hành thử tải, kiểm định với kết quả đáp ứng yêu cầu thiết kế cầu hiện hành.
"Sáng kiến cầu bản rỗng trên cọc ống dự ứng lực đã được chúng tôi đề xuất gửi lên Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Chính phủ hơn một năm trước. Giải pháp đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ", ông Đường cho biết.
Theo ông Đường, đây là giải pháp được cho là góp phần tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc vào vật liệu xây dựng đang khan hiếm như cát, giúp giảm chi phí xuống còn một nửa so với phương pháp thi công truyền thống. Đồng thời bảo đảm tiến độ nhờ hệ thống nhà máy ép cọc bê-tông sẵn có, giảm thời gian thi công.
"Chúng tôi không bán phát minh này mà sẵn sàng hiến tặng để phục vụ lợi ích quốc gia", ông Nguyễn Hữu Đường cho biết.
Ông Đinh Mạnh Đức, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) ghi nhận tiềm năng của sáng kiến, cho đây là một giải pháp có khả năng ứng dụng tại một số công trình, vị trí phù hợp.
Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, ông Đức đề nghị Công ty TNHH Hòa Bình hoàn thiện hồ sơ với các nội dung gồm: Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật đã áp dụng; hồ sơ khảo sát địa chất, thủy văn; hồ sơ thiết kế chi tiết và tổng mức đầu tư dự toán.
"Một giải pháp kỹ thuật cần được đánh giá toàn diện cả về kinh tế, kỹ thuật và tuổi thọ công trình, từ đó làm cơ sở báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ", ông Đức nói.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng nghe báo cáo sáng kiến giải pháp từ ông Nguyễn Hữu Đường.
Về mặt kỹ thuật, ông Đinh Quốc Hà, chuyên gia Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, nhận định: "Kết cấu cầu bản rỗng trên cọc được tìm hiểu lần này đã có nhiều cải tiến so với kết cấu truyền thống, từ cấu trúc dầm, cọc đến việc gia cường phạm vi cốt thép. Dù chưa phổ biến ở Việt Nam nhưng đã được triển khai tại một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia. Việc cải tiến nhằm nâng cao khả năng chịu uốn là điểm mới đáng chú ý. Tuy vậy, cần bổ sung thêm chi tiết kỹ thuật về chiều dài cọc, thiết kế dầm để bảo đảm an toàn kết cấu".
Đại diện đoàn công tác của Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan để thẩm định, đánh giá và xem xét khả năng ứng dụng thực tế của giải pháp cầu bản rỗng trên cọc trong các dự án giao thông trọng điểm thời gian tới.
Một giải pháp, nhiều giá trị
Trước đó, vào ngày 4/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ để xem xét giải pháp thi công đường ô tô cao tốc cầu cạn theo công nghệ cầu bản trên cọc do Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất với Chính phủ sau khi xây dựng thử nghiệm thành công tại vùng đất yếu thuộc khu phi thuế quan Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đánh giá, công nghệ của Công ty TNHH Hòa Bình đã có cải tiến, bổ sung về giải pháp kỹ thuật phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ những điểm mới của công nghệ, khả năng đáp ứng với tiêu chí về an toàn, tuổi thọ công trình, chi phí đầu tư, tính khả thi khi triển khai, phương án bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm cảnh quan đô thị…
TS Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam nhận định: "Giải pháp của Công ty TNHH Hòa Bình sáng tạo ở chỗ dùng dầm bản rỗng trên cọc ly tâm PRC, nên tiêu thụ ít bê tông, ít xi măng hơn, nhịp dài hơn, tiết kiệm vật liệu và giảm phát thải CO2".

Đường trên cao, mẫu được thi công tại KCN Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: "Giải pháp cầu bản trên cọc có một số ưu điểm như thi công nhanh, không ảnh hưởng tiến độ xây dựng do thiếu vật liệu đắp nền, không phải đắp chờ lún cố kết, thân thiện với môi trường, chi phí đầu tư và chi phí duy tu bảo trì thấp.
Giải pháp này không gây chia cắt các khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm giải phóng mặt bằng, tiết kiệm tài nguyên cát đắp như các phương pháp truyền thống và không chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt và nước biển dâng, không chịu ảnh hưởng của sụt lún bề mặt".
Theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc do Công ty TNHH Hòa Bình đề xuất có chi phí đầu tư từ 12-13,7 triệu đồng/m2, rẻ hơn nhiều so với giải pháp sử dụng cát, đất đắp nền cao tốc qua vùng đất yếu.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, việc sớm triển khai áp dụng giải pháp cầu bản trên cọc để thi công các tuyến cao tốc cầu cạn trên vùng đất yếu sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu xây dựng 3.000km đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và 2.000km giai đoạn 2026-2030.
Ngày 4/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông cường độ cao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ quá trình thực hiện những quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến thi công cầu cạn tại Việt Nam. Công ty TNHH Hòa Bình và các doanh nghiệp khác cần tiếp tục xây dựng hướng dẫn thi công cầu cạn tại doanh nghiệp; định mức, đơn giá thi công trong điều kiện thi công cụ thể; phạm vi áp dụng trong điều kiện địa chất, thủy văn cụ thể… và công bố công khai sau khi được cơ quan quản lý thẩm định, đánh giá.
Phó Thủ tướng giao TP Hà Nội phối hợp các nhà đầu tư dự án đường Vành đai 4 để lựa chọn áp dụng công nghệ, giải pháp của Công ty TNHH Hòa Bình trên một đoạn tuyến cụ thể, theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, nhằm đánh giá đầy đủ về độ bền, độ an toàn, phương án bảo trì, bảo dưỡng, thời gian thực hiện, hiệu quả kinh tế…