'Giải pháp vàng' khi giá vật tư nông nghiệp tăng 'phi mã'

Trong bối cảnh giá các mặt hàng phân bón trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tăng 'phi mã' và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Để sản xuất hiệu quả, một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.

Hằng năm, tỉnh Lào Cai sử dụng khoảng 280 nghìn tấn phân bón các loại, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 40%. Hiện giá các mặt hàng phân bón tăng từ 1,4 đến 1,6 lần, riêng một số mặt hàng như đạm u rê, kaliclorua, kalisulfat tăng hơn 2 lần so với đầu năm 2021.

Ủ phân hữu cơ là giải pháp hiệu quả, giúp giảm chi phí sản xuất.

Ủ phân hữu cơ là giải pháp hiệu quả, giúp giảm chi phí sản xuất.

Giá các loại phân bón tăng mạnh khiến nhiều nông dân thu hẹp sản xuất do không đủ chi phí đầu tư. Thế nhưng, gia đình chị Hù Thị Thảo, thôn Thính Chéng, xã Thanh Bình (Mường

Khương) vẫn mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, trồng thêm 1.000 gốc chuối so với năm trước (vụ trước gia đình chị Thảo chỉ trồng gần 1.000 gốc). Chị Thảo cho biết: Giá phân bón tăng nên tôi cũng ngần ngại khi đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, ngoài trồng trọt, gia đình tôi nuôi cả trâu, bò nên tận dụng được nguồn phân chuồng làm phân hữu cơ, giảm được nhiều chi phí mua phân hóa học. Phân chuồng ủ hoai mục đem bón cho chuối rất tốt, giảm đáng kể lượng phân hóa học phải sử dụng cho cây, nhưng cũng không thể bỏ hoàn toàn phân bón vô cơ, vì khi ra hoa, đậu quả, cây chuối cần các loại phân bón tổng hợp, nếu không, quả rất nhỏ.

Hiện đang là giai đoạn cao điểm của vụ trồng ngô ở vùng cao. Với mô hình kinh tế nông hộ, hầu hết là trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nên nhiều hộ đã chủ động tận dụng nguồn phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp khác làm phân bón.

Bà Thền Thị Mai, thôn Nậm Sưu, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng) cho biết: Cách đây khoảng 15 - 20 năm, chúng tôi chủ yếu bón phân chuồng cho ngô, lúa, phân hóa học bón rất ít. Những năm gần đây, tôi dùng phân hóa học cho tiện, ví dụ như khi trồng ngô, tôi chỉ bón một nắm lân cho một gốc, đến khi cây cao ngang gối thì vun gốc và bón thêm một nắm đạm. Năm nay, giá phân bón cao quá nên tôi quay lại ủ phân chuồng cho tơi, rồi trộn với lượng phân lân vừa phải để bón cho ngô. Với cây lúa cũng tương tự, giá phân hóa học cao thì phải bón ít đi, bù vào đó, tôi ủ phân xanh, phân chuồng, xin bã đậu về ủ bón cho lúa.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hằng năm, các trang trại chăn nuôi trong tỉnh có khoảng 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm; hơn 200.000 tấn rơm, rạ và hàng triệu tấn phế - phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất, từng bước hình thành nền nông nghiệp nói “không” với hóa chất, đặc biệt là trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng mạnh như hiện nay. Đây là nguồn nguyên liệu phân hữu cơ lớn cung cấp cho trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng lớn cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Theo bà Bùi Thị Hương, Trưởng Phòng Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) thì phân hữu cơ hoai mục có thể sử dụng bón lót hoặc bón thúc trong các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng để bổ sung dinh dưỡng và cải tạo đất, đồng thời cũng giúp bộ rễ cây phát triển khỏe, hấp thụ các chất dinh dưỡng khác hiệu quả hơn. Bà con nông dân có thể tham khảo các biện pháp ủ phân hữu cơ từ phân chuồng, chế phẩm vi sinh và các chất độn hữu cơ (rơm, rạ, bã mía, trấu, mùn cưa, vỏ lạc, thân cây xanh, lá cây khô). Việc sử dụng phân hữu cơ hoai mục sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354477-giai-phap-vang-khi-gia-vat-tu-nong-nghiep-tang-phi-ma