Giải pháp 'xanh hóa' hàng triệu ô tô lưu thông

'Xanh hóa' ngành ô tô không chỉ đơn thuần là việc giảm lượng khí thải CO2 phát ra từ các phương tiện giao thông mà còn bao gồm việc cải tiến toàn bộ vòng đời của ô tô từ sản xuất, vận hành đến thải bỏ, để bảo đảm rằng mỗi chiếc xe ô tô đều thân thiện với môi trường.

Mỗi chiếc xe lưu thông được ví như một “trạm phát thải di động”. (Ảnh minh họa: EPA)

Mỗi chiếc xe lưu thông được ví như một “trạm phát thải di động”. (Ảnh minh họa: EPA)

Không chỉ dừng ở giảm phát thải

Trong thời gian qua, Chính phủ và các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành ô tô, tạo điều kiện cho những chiếc xe “xanh” xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Những phương tiện hiện đại này, nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến và tiết kiệm nhiên liệu, không chỉ giảm thiểu đáng kể lượng khí thải mà còn góp phần cải thiện môi trường giao thông, giảm ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 6,5 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường. Mỗi chiếc xe này được ví như một “trạm phát thải di động”.

Hà Nội, với sự phát triển đô thị và mật độ giao thông cao, là địa phương tiên phong triển khai một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ phương tiện giao thông. Một trong những giải pháp chính là khuyến khích sử dụng xe điện và xe hybrid (xe sử dụng kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện). Xe điện và xe hybrid không chỉ giảm thiểu lượng khí thải CO2 mà còn góp phần giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí.

Để thực hiện điều này, thành phố đã đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết, bao gồm xây dựng các trạm sạc xe điện tại các điểm đỗ xe công cộng, trung tâm thương mại và khu dân cư. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và ưu đãi khi mua xe điện cũng đang được xem xét để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.

“Xanh hóa” ngành ô tô không chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải khi xe vận hành mà còn phải bảo đảm toàn bộ vòng đời của chiếc xe, từ sản xuất đến thải bỏ, đều thân thiện với môi trường. Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam đang được khuyến khích áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu có tác động xấu đến môi trường và tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế.

Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai các chương trình tái chế xe cũ và khuyến khích người dân thay thế những chiếc xe đã qua sử dụng lâu năm bằng các dòng xe mới, hiệu quả hơn về mặt nhiên liệu. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn giảm thiểu lượng rác thải công nghiệp từ quá trình sản xuất linh kiện xe.

Song song với các giải pháp kỹ thuật và chính sách, việc nâng cao nhận thức của người dân về tác động môi trường từ các phương tiện giao thông cũng rất quan trọng. Các chiến dịch tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng xe điện, giảm tần suất sử dụng xe cá nhân và chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng đang được triển khai mạnh mẽ.

Cải tiến công nghệ để “xanh” cả vòng đời xe

Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã nhận định rằng thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, ước tính tăng thêm hơn 100.000 xe mỗi năm, trong bối cảnh Việt Nam có quy mô dân số lớn đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, từ góc nhìn môi trường, việc sản xuất và lắp ráp một chiếc ô tô hoàn chỉnh đòi hỏi sử dụng khoảng 30.000 linh kiện khác nhau, bao gồm kim loại, nhựa, cao su, hóa chất và linh kiện điện tử, mà quá trình này đều có tác động nhất định đến môi trường. Khi ô tô được đưa vào sử dụng, nó phát thải carbon, gây ô nhiễm không khí, chi phí sản xuất, nhiên liệu có thể cao hơn so với việc sử dụng nhiên liệu tái tạo hoặc linh kiện tái chế.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp này phải bảo đảm sự cân đối giữa hiệu quả kinh tế - xã hội và yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời theo xu hướng tiết kiệm năng lượng.

Do đó, VAMA đề xuất việc phát triển xe điện hóa cần phải có lộ trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện để hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon. Đồng thời, VAMA cũng đề ra lộ trình và các giải pháp, chính sách về thuế phí, ưu đãi và đầu tư để phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện.

Các chuyên gia cũng đề cập đến việc sử dụng nhiên liệu hydrogen, một loại năng lượng đang được ứng dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu, và Trung Quốc cho các xe điện. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon, nhược điểm của loại năng lượng này là việc xử lý pin phế liệu có thể gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay nhiều quốc gia đang nghiên cứu công nghệ sản xuất pin xe điện có độ bền cao, lên đến 20 - 30 năm, giúp xe điện trở thành phương tiện tiềm năng trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giai-phap-xanh-hoa-hang-trieu-o-to-luu-thong-post523661.html