Giải phóng mặt bằng các dự án năm 2022: Đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu nămTin khácPhim tài liệu 'Lạng Sơn - 190 năm xây dựng và phát triển' được giới thiệu rộng rãi trên các trang thông tin điện tửĐảm bảo vận tải hành khách an toàn, thông suốt dịp Tết Ng
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án luôn là vấn đề phức tạp, thường xuyên phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các huyện, thành phố, công tác GPMB trong năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực. Bước sang năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác GPMB các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Trong năm 2021, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện GPMB 248 dự án. Trong đó, một số đơn vị triển khai nhiều dự án GPMB như: thành phố Lạng Sơn 56 dự án; huyện Cao Lộc 31 dự án; huyện Lộc Bình 30 dự án; huyện Chi Lăng 23 dự án…
Tính đến hết năm 2021, các huyện, thành phố đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện xây dựng các hạng mục được 125 dự án; có 80 dự án cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiến độ GPMB; các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thiện trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Bước sang năm 2022, tỉnh tiếp tục xác định công tác GPMB các dự án, nhất là các dự án trọng điểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với công tác này. Theo đó, Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo GPMB cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần thực hiện hiệu quả công tác GPMB các dự án bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch; duy trì chế độ họp hằng tháng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc từng công trình dự án từ cơ sở.
Theo đó, các huyện, thành phố thực hiện kiện toàn ban chỉ đạo do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban và phân công các đồng chí trong thường trực, ban thường vụ huyện ủy, Thành ủy phụ trách từng dự án, từng địa bàn. Về công tác chuyên môn, dựa trên nhiệm vụ được giao, trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố bổ sung nhân lực có trình độ, tăng cường phối hợp với các phòng chức năng để tham mưu cho chính quyền xử lý giải quyết kịp thời các vướng mắc theo thẩm quyền. Hằng tháng, thực hiện giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện GPMB các dự án nhằm nắm bắt đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Trong năm 2022, huyện đề xuất với tỉnh danh mục 6 dự án trọng điểm cấp tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB như: dự án khu trung chuyển hàng hóa giai đoạn 2; công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B; cải tạo, nâng cấp đường Cao Lộc – Ba Sơn; Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng… Đây là những dự án có sức lan tỏa mạnh, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tới. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, Ban Chỉ đạo GPMB huyện đã yêu cầu các đơn vị từ huyện tới xã và các chủ đầu tư phải làm tốt công tác phối hợp để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, việc công bố công khai quy mô, phạm vi thu hồi; xác định rõ từng loại đất, từ đó, quy chủ và thực hiện trình tự thủ tục thu hồi bồi thường hỗ trợ tái định cư bảo đảm minh bạch đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ huyện Cao Lộc, nhiều huyện, thành phố như: thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Lãng, Lộc Bình, Hữu Lũng… việc tổ chức triển khai GPMB các dự án đều được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm như: kiện toàn trung tâm phát triển quỹ đất, tổ chức hoàn thiện trình tự thủ tục thu hồi, hỗ trợ tái định cư các dự án mới; đẩy mạnh đối thoại với các hộ dân bị thu hồi…
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 1/2022 đến hết ngày 19/1, các huyện, thành phố đã thực hiện đo đạc kiểm đếm đối với 33 dự án, tổ chức kiểm đếm đối với 251 hộ với diện tích đo đạc kiểm đếm hơn 11 ha. Riêng huyện Văn Lãng trong nửa đầu tháng 1 đã thực hiện chi trả bồi thường cho 73 hộ với tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng tại 7 dự án, bàn giao mặt bằng với diện tích gần 5.000 m2.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc trách nhiệm của các huyện, thành phố, tin tưởng công tác GPMB các dự án nói chung và dự án trọng điểm nói riêng trong năm 2022 sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, thúc đẩy tiến độ các dự án, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2022.
Đổi mới công tác điều hành giải phóng mặt bằng
– Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy GPMB các dự án, trong đó, tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh đổi mới công tác chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Để làm rõ hơn việc triển khai thực hiện tại các huyện, thành phố, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn lãnh đạo một số huyện, thành phố về công tác này.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB các dự án huyện Lộc Bình: “Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động theo hướng rõ việc, rõ người”.
Trong năm 2022, huyện Lộc Bình đề xuất với tỉnh 4 dự án trọng điểm trên địa bàn gồm: 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 và 1 dự án mới. Để thống nhất triển khai, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác GPMB và xây dựng nông thôn mới; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hồi đất đối với các trường hợp tranh chấp đất đai, đất chưa chuyển mục đích… Đặc biệt, huyện sẽ đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động theo quy trình rõ người, rõ việc của từng chủ thể tham gia từ chính quyền cơ sở, Trung tâm Phát triển quỹ đất, các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận cao đối với các trường hợp bị thu hồi đất. Theo đó, các chủ thể tham gia phải đến từng ngõ, gõ từng hộ bị ảnh hưởng để thông tin công khai minh bạch về dự án, mức độ thu hồi đất đai, tài sản đối với các gia đình; cơ chế bồi thường đối với từng loại đất, tài sản, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và nắm bắt giải quyết, giải thích ngay những tâm tư nguyện vọng của người bị thu hồi đất.
Ông Phan Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB huyện Hữu Lũng: “Tập trung nắm bắt dư luận trong quá trình thực hiện GPMB các dự án trọng điểm”.
Với việc khởi động hàng loạt các dự án lớn trong năm 2022 như: Khu tái định cư dân cư Hồ Sơn, Hòa Thắng phục vụ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Hữu Lũng; Khu đô thị Sơn Hà; dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng, ngoài các giải pháp đã thực hiện trong năm 2021, Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu các chủ thể, cá nhân tham gia công tác GPMB từ các thành viên ban chỉ đạo huyện, các phòng chức năng và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở, tập trung nắm chắc thông tin dư luận xã hội của người dân tại các xã nằm trong phạm vi quy hoạch, phạm vi thu hồi đất để có giải pháp tổ chức tiếp xúc, đối thoại, giải thích các khúc mắc kịp thời đối với người dân nhằm tạo đồng thuận cao trong Nhân dân, không để người dân bức xúc dẫn đến khiếu nại đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tiến độ thực hiện GPMB các dự án.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB thành phố Lạng Sơn: “Phân công lãnh đạo UBND thành phố chuyên trách công tác GPMB”
Thành phố Lạng Sơn hiện đang triển khai tới 56 dự án, diện tích thu hồi đất là rất lớn, ảnh hưởng trên 5.000 hộ, cá nhân với diện tích thu hồi trên 635 ha. Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác GPMB, trong năm 2022, thành phố đã bố trí một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố chuyên trách thực hiện GPMB các dự án, không thực hiện kiêm nhiệm như những năm trước đây. Ngoài ra, thành phố cũng giao các phòng, ban chức năng nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố đề xuất với UBND tỉnh cho phép thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù trong GPMB như: cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; giá bồi thường đất đai nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong GPMB các dự án.