Giải quyết 3 trở lực của đô thị (*): Đau đáu sự đổi thay

Nằm ở trung tâm TP HCM nhưng cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở khu Mả Lạng chưa thay đổi sau hàng chục năm

Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (còn gọi là khu Mả Lạng, quận 1, TP HCM) giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh.

Ẩm thấp, chật chội

Từ năm 2000, TP HCM chủ trương giải tỏa tổng diện tích 6,8 ha nơi đây nhằm chỉnh trang đô thị. Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được giao triển khai dự án. Sau đó, dự án được chuyển cho Tập đoàn Bitexco để thực hiện khu phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ năm 2018, song đã không đúng tiến độ.

Sau đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM họp, nghe báo cáo về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án trên. Từ đó, chỉ đạo UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp cùng các đơn vị liên quan tham mưu văn bản để UBND thành phố trả lời cho nhà đầu tư về việc không có cơ sở xem xét đề nghị tiếp tục thực hiện dự án.

Một chiều cuối tháng 7-2023, chúng tôi tìm tới khu Mả Lạng. Hình ảnh đầu tiên trong các con hẻm ngoằn ngoèo, dày đặc là những căn nhà dưới 20 m2, hầu hết xuống cấp. Đây là nơi ở của những người nghèo làm nghề xe ôm, hàng rong, tạp vụ….

Khu Mả Lạng có nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, nhếch nhác

Khu Mả Lạng có nhiều con hẻm ngoằn ngoèo, nhếch nhác

Bà Nguyễn Thị Bé cùng gia đình 18 người sống trong căn nhà khoảng 20 m2 trong hẻm 245 Nguyễn Trãi. Qua trò chuyện, bà cho hay sống ở khu Mả Lạng trước năm 1975, lúc đó, nơi này là nghĩa địa với gần trăm ngôi mộ nằm xen với nhà dân.

Trong 23 năm kể từ ngày có quy hoạch và sau đó là dự án "treo", gia đình bà và hàng trăm hộ dân sống tạm bợ, chịu cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng.

"Nhiều năm qua, chúng tôi đã nghe rất nhiều về việc giải tỏa di dời nhưng nghe chỉ để nghe. Thật lòng, người dân chẳng ai muốn dời đi, nhà ai cũng đông và nghèo, đi đến nơi khác mưu sinh thật không dễ dàng gì" - bà Bé nói. Bà Bé cũng cho biết sau khi có quyết định hủy bỏ thông báo thu hồi đất, gia đình bà đã cho sửa sang lại nhà cửa cho đỡ lụp xụp.

Người lao động tại khu Mả Lạng luôn hy vọng sắp tới cuộc sống có sự đổi thay .Ảnh: ANH VŨ

Người lao động tại khu Mả Lạng luôn hy vọng sắp tới cuộc sống có sự đổi thay .Ảnh: ANH VŨ

Ngụ hẻm 116, đường Nguyễn Cư Trinh, bà Nguyễn Thị Kim Loan (60 tuổi) sống cùng gia đình 3 thế hệ hơn 10 người trong căn nhà chừng 15 m2. Ở gia đình bà, những lao động chính đi làm từ sớm, chỉ còn bà và trẻ nhỏ. Chị em bà đi làm về sẽ lên gác hoặc chọn dưới sàn để ngủ.

"40 năm rồi, chúng tôi sống chật chội nhưng đành chịu. Chúng tôi không thể di dời nhưng cũng không đủ tiền để sửa sang lại căn nhà. Nếu được quy hoạch lại, chính quyền bố trí chỗ ở tốt hơn thì tôi đồng ý chứ ngoài ở đây, tôi chẳng biết đi đâu" - bà Loan bày tỏ.

Mong đời sống tốt hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho hay hiện nay khu Mả Lạng vẫn thuộc quy hoạch chỉnh trang đô thị.

Trước đây, thành phố chủ trương giao chủ đầu tư thực hiện dự án và chỉ đạo UBND quận 1 ban hành thông báo thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều năm mà việc này không tiến triển nên sau khi UBND TP chỉ đạo, quận 1 đã thu hồi, hủy bỏ thông báo thu hồi đất với 1.424 trường hợp. "Người dân rất vui mừng bởi được mở ra một số quyền bị hạn chế trước đây như chuyển nhượng, thừa kế… Trước đây, có trường hợp vợ chồng ly hôn nhưng nhiều năm không chia tài sản được" - ông Vũ Nguyễn Quang Vinh nói.

"Hiện tại, về quản lý trật tự xây dựng, việc cấp phép xây dựng được thực hiện theo Quyết định 26 năm 2017 của UBND TP HCM. Còn trường hợp sửa chữa, cải tạo mà không phải xin phép thì chính quyền địa phương hướng dẫn người dân.

Cũng theo ông Vinh, khu Mả Lạng có hàng trăm căn nhà thuộc sở hữu nhà nước. Thực hiện chủ trương của thành phố, Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 đã bàn giao về Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) để thống nhất đầu mối quản lý.

Quyền lợi của người dân trong trường hợp này sẽ do Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tham mưu cấp thẩm quyền. Đối với trường hợp không thuộc sở hữu nhà nước và cũng chưa có chủ quyền thì Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố sẽ xem xét.

"Vừa rồi tại buổi tiếp xúc cử tri, UBND quận 1 cũng thông tin đến người dân rất rõ về những vấn đề liên quan tới quyền lợi. Khu vực này quy hoạch chỉnh trang đô thị là cần thiết, thành phố cũng hết sức quan tâm để tìm nguồn lực thực hiện sao cho đời sống người dân tốt hơn trước" - ông Vũ Nguyễn Quang Vinh nói.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang tiến hành các bước để tham mưu việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Chủ trương của thành phố rất rõ nhưng cần cụ thể bằng văn bản hành chính theo quy định pháp luật.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-7

Chờ ngày "đổi đời"

Người dân cho hay khi chính quyền hủy bỏ thông báo thu hồi đất tại dự án khu Mả Lạng (quận 1, TP HCM) đã khôi phục một số quyền lợi cho họ. Có điều, nơi đây vẫn thuộc quy hoạch chỉnh trang đô thị nên trước mắt vẫn phải… tiếp tục chờ ngày "đổi đời".

Những căn nhà chỉ chừng 15 m2 nhưng có hơn chục người ở

Bà Phạm Thị Xuân Lan (ở hẻm 116, đường Nguyễn Cư Trinh) kể lâu nay do tuổi cao, sức yếu nên chỉ làm những việc lặt vặt sống qua ngày, con cháu hơn 10 người còn sức khỏe thì làm việc khác. Nghe nói dự án chấm dứt, bà thở phào vì dù nơi ở chật chội nhưng đã có thể sửa sang lại đôi chút. "Nếu giải tỏa thì khi được bồi thường chẳng ai ở đây mua nổi được nhà. Vì thế, khi quy hoạch lại, nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng để lợi ích cả hai bên" - bà Lan nói.

QUỐC ANH - ANH VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-quyet-3-tro-luc-cua-do-thi-dau-dau-su-doi-thay-20230726224334491.htm