Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo để an dân
Chỉ số tăng trưởng kinh tế cao chỉ có ý nghĩa khi tâm trạng xã hội tốt. Nhận thức rõ điều này, lãnh đạo tỉnh đã, đang xem xét giải quyết đồng loạt và triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài nhằm xây dựng tâm trạng xã hội tốt, lòng dân thêm yên tâm, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Vì đây chính là động lực to lớn để tỉnh tiếp tục bứt phá.
Sự đồng thuận của nhân dân - động lực phát triển
Sau 23 năm xây dựng và phát triển, năm 2019, lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bình Phước vượt mốc 9.000 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần so với năm mới tái lập tỉnh (1997). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng, tăng gấp 20 lần so với khi tái lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hằng năm đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng bền vững. Ngành công nghiệp tiếp tục phát triển nhờ phát huy lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn lực lao động và tài nguyên đất đai. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ... đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cộng đồng các dân tộc đoàn kết cùng phát triển, số hộ nghèo giảm mạnh, mức sống và thu nhập người dân năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đồng Xoài từ thị trấn nhỏ năm xưa, với cơ sở hạ tầng yếu kém, nay đã là đô thị sầm uất, phát triển năng động. Ngoài thành phố Đồng Xoài, 2 thị xã Bình Long, Phước Long và các địa phương khác trong tỉnh cũng đang có sự “lột xác”, phát triển ngoạn mục.
Một góc trung tâm thành phố Đồng Xoài
Những tuyến đường sình lầy, bụi đỏ năm xưa dần thay thế bằng các con đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ, thẳng tắp, tạo điều kiện thuận lợi thông thương, trao đổi hàng hóa, kéo gần khoảng cách về đời sống, thu nhập giữa đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000km, trong đó quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và nâng cấp, mở rộng; 100% đường tỉnh quản lý được nhựa hóa; 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm; tỷ lệ hộ có điện đạt trên 98%; 48 xã về đích nông thôn mới... Dẫn chứng một vài số liệu nêu trên cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội tươi sáng của tỉnh, để thấy những đổi thay trên quê hương Bình Phước là rất đáng tự hào.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 23 năm qua thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng; sự điều hành năng động của các cấp chính quyền; sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Ở đây, sự đồng thuận của nhân dân thể hiện rất rõ qua thành công của từng công trình, từng dự án. Chúng ta đều biết, để có được những khu trung tâm hành chính khang trang, các khu đô thị sầm uất, những khu công nghiệp thu hút hàng ngàn doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất - kinh doanh, đã có hàng ngàn hộ dân chấp nhận mất tư liệu sản xuất hoặc di dời đến nơi ở, nơi sản xuất khác. Để có được các con đường liên thôn, hay các công trình công ích, hàng ngàn hộ dân đã chung tay hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, chặt bỏ cây trồng... chịu thiệt thòi để giải phóng mặt bằng phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh.
Có những bất cập trong giải tỏa đền bù
Những nỗ lực và sự đóng góp tích cực của nhân dân là rất lớn và đã được các cấp ủy đảng, chính quyền xem xét chỉ đạo đền bù xứng đáng. Nhưng rất tiếc, vẫn còn một số trường hợp, vì nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan đã dẫn đến những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài do chưa có sự đồng thuận. Điều này khiến tâm trạng trong một bộ phận nhân dân chưa yên và ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành chung của tỉnh, làm chậm tiến độ thực hiện các công trình.
Toàn tỉnh hiện có 48 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, chủ yếu liên quan đến đất ở, đất canh tác trong quá trình thu hồi triển khai các dự án. Đa số các vụ việc có nguyên nhân hết sức “đặc thù”, nhưng cũng có nguyên nhân thuộc về chủ quan do tinh thần trách nhiệm, khả năng am hiểu xử lý công việc của người được giao trách nhiệm.
Những năm về trước, di dân tự do đến Bình Phước đông, dân số cơ học tăng nhanh. Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới cũng như hệ thống pháp luật về đất đai trong những ngày đầu mới giải phóng chưa được hoàn thiện, việc công nhận tính hợp pháp của mảnh đất do người dân khai hoang còn nhiều bất cập. Việc đền bù chưa thỏa đáng do các quy định của pháp luật còn chồng chéo, quá trình xử lý chưa thấu tình đạt lý, người dân chưa chấp nhận sự thiệt thòi...
Mặt khác, trong quá trình thu hồi đất trước đây, chính quyền thiếu sự vận động thuyết phục; trình độ năng lực, trách nhiệm của cán bộ được giao còn hạn chế; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu chưa được quan tâm đúng mức; thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch về công tác kiểm kê, kiểm đếm trong bồi thường, hỗ trợ và thực hiện tái định cư... Công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa được triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời, chưa thuyết phục. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn còn tư tưởng đem thành quả cách mạng của gia đình áp đặt lên hệ thống pháp luật. Tất cả những điều đó dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, việc giải quyết thêm phần khó khăn.
Xây dựng tâm trạng xã hội tốt, giải quyết triệt để khiếu nại, tố cáo
Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các ngành liên quan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi, nêu quan điểm: “Chỉ số tăng trưởng cao nhưng phải gắn với tâm trạng xã hội tốt. Phát triển kinh tế phải gắn với an dân. Muốn thế, phải tập trung quyết liệt, xem xét giải quyết triệt để, phù hợp, đúng luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài bao năm qua. Cho dù việc ấy nguyên nhân thế nào, chúng ta cũng phải làm được điều đó. Sớm làm được điều đó!”.
Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập các nhóm chính sách liên quan đến việc tạo quỹ đất an sinh xã hội, tái định canh, tái định cư và bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản khi thực hiện các dự án. Các nhóm phân công thành viên nghiên cứu, kiểm tra hồ sơ, áp dụng các quy định pháp luật, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổng hợp kết quả thẩm định và đề xuất phương án giải quyết...
Để có được thành phố Đồng Xoài sầm uất như hôm nay, rất nhiều gia đình đã di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong ảnh: Một góc trung tâm thành phố Đồng Xoài ngày nay
UBND tỉnh cũng thành lập các tổ đối thoại, tuyên truyền, vận động các hộ dân khiếu nại hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của mình khi thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông qua tuyên truyền, vận động, lãnh đạo tỉnh cũng lắng nghe, trao đổi những nguyện vọng chính đáng, đề xuất, kiến nghị của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, trong tháng 4 và 5-2020, các tổ công tác của tỉnh sẽ đồng loạt làm việc, công bố kết quả xử lý đối với từng vụ việc cụ thể. Các chính sách giải quyết sẽ được công bố, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân. Từ ngân sách và các nguồn lực hiện có, tỉnh cũng sẽ xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hạn chế việc khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Với quan điểm “phát triển kinh tế phải gắn với xây dựng tâm trạng xã hội tốt”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đang quyết liệt thực hiện quá trình rà soát, xem xét giải quyết thấu đáo có tình, có lý các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn tỉnh. Những vi phạm sai sót, thực hiện chưa đúng việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhân dân hãy bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối và hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ cho các cấp có thẩm quyền để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo nghiêm túc, công khai, đúng luật. Sự đồng thuận, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình sẽ là động lực quan trọng, góp phần giúp tỉnh nhà vượt qua khó khăn, phát triển thịnh vượng.