Giải quyết người lang thang: Vỡ kế hoạch
TPHCM đã nhiều năm tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, nhưng đến nay, đối tượng này vẫn xuất hiện nhiều trên đường phố. Tình trạng biến tướng để xin ăn như bán hàng rong, giả dạng đi tìm người thân, bị mất cắp, bị lỡ tàu xe… cũng xảy ra không ít.
Nhiều biến tướng
Cây xăng góc đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (quận 5) thường xuyên có người phụ nữ trung tuổi đi lại quanh chỗ đổ xăng. Khách vừa đậu xe, đang lúi húi mở nắp bình xăng thì người phụ nữ sáp tới, mở giùm nắp, rồi đứng ngóng đợi. Đến lúc khách trả tiền đổ xăng, người này liền chìa tay ra hiệu xin tiền. Nếu không được cho, bà ta lập tức kể công rằng đã mở nắp bình xăng giùm, rồi cằn nhằn khách đổ xăng keo kiệt, bủn xỉn. Nhiều người không muốn phiền phức nên đành dúi cho 5.000 - 10.000 đồng.
Chỉ trong chốc lát, người phụ nữ đã kiếm được cả trăm ngàn “tiền công” mở nắp bình xăng, mặc kệ sự bực tức của mọi người. Cây xăng trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5) cũng có cảnh tương tự, người sắm vai mở giúp nắp bình xăng là một đàn ông trung niên.
Không chỉ cố tình đóng, mở nắp bình xăng cho khách để kỳ kèo xin tiền, người xin ăn còn giả dạng bằng nhiều hình thức khác. Trên đường Âu Cơ (quận 11), một phụ nữ ngồi ủ rũ ôm một trẻ em băng bó quanh đầu.
Nhiều người qua lại dừng xe, bỏ tiền vào chiếc nón để ngửa bên cạnh giúp đỡ. Khi chúng tôi tiếp cận, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của em bé và đề nghị giúp đưa đi bệnh viện, người phụ nữ lắc đầu không chịu, nói “chỉ muốn xin chút tiền để tự lo cho con”.
Trong khi đó, tại đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), một phụ nữ khác ngồi bên một trẻ em đang ngủ say trên vỉa hè, bên cạnh là tấm bìa carton ghi dòng chữ “Cầu xin cô bác giúp đỡ cho mẹ con có tiền mua vé xe về quê”… Kịch bản bị mất cắp, lỡ tàu xe, xin tiền về quê được nhiều người xin ăn sử dụng. Có khi họ dắt chiếc xe máy cũ, nói đã hết xăng; dắt chiếc xe đạp lòi ruột, rồi kéo tay áo người đứng trên vỉa hè để xin tiền sửa xe.
Trên địa bàn TPHCM, nhiều điểm thường xuyên có người xin ăn như: ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1); ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm (quận 5); cầu Chữ Y (quận 5, quận 8); vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Cộng Hòa - Út Tịch, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình); ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)…
Kế hoạch và… vỡ kế hoạch
Sở LĐTB-XH TPHCM đang có tờ trình trình UBND TPHCM ban hành kế hoạch giải quyết tình trạng người xin ăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2020. Mục tiêu là đến năm 2020, giải quyết triệt để, hiệu quả tình trạng còn người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.
Có thể nói, thời gian trong dự thảo kế hoạch thì mới (2019 - 2020), nhưng mục tiêu “giải quyết triệt để tình trạng người xin ăn” không mới. Rất nhiều lần, Sở LĐTB-XH TPHCM đã đề ra kế hoạch với mục tiêu tương tự và điểm chung là kết quả như mục tiêu đề ra vẫn xa vời.
Hơn 12 năm trước, tháng 3-2007, Sở LĐTB-XH đưa ra kế hoạch có mục tiêu đến năm 2010, TPHCM sẽ cơ bản không còn tình trạng ăn xin. Tháng 9-2011, sở lại trình UBND TPHCM kế hoạch có mục tiêu đến năm 2013, các quận trung tâm của thành phố sẽ không còn người ăn xin; đến năm 2015, giải quyết tình trạng này trên toàn địa bàn thành phố.
Cuối tháng 12-2014, TPHCM rầm rộ bước vào đợt đưa người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm bảo trợ xã hội (cùng với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội); mục tiêu là đến dịp Tết 2015, cơ bản hết người lang thang ăn xin.
Tháng 3-2016, sở lại đặt ra mục tiêu là đến 30-4-2016, giải quyết triệt để tình trạng ăn xin ở khu vực trung tâm thành phố; các quận, huyện khác sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này.
Tháng 4-2018, sở yêu cầu tăng cường tập trung người lang thang xin ăn cả ngày lẫn đêm (24/24 giờ), với mục tiêu… như cũ. Hiện nay, sở đang trình UBND TPHCM dự thảo kế hoạch cho giai đoạn 2019 - 2020, và mục tiêu, tất nhiên, vẫn như cũ: Giải quyết tình trạng lang thang ăn xin.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, tập trung người xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên để hạn chế tối đa tình trạng người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.
Sau khi tập trung, các cơ sở sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho đối tượng học văn hóa, học nghề nhằm xóa mù chữ, phổ cập tiểu học; đồng thời, lựa chọn những nghề thiết thực, có thời gian đào tạo ngắn phù hợp điều kiện và thời gian để khi đối tượng được hồi gia, về lại địa phương, có thể tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Các cơ sở cũng liên kết với doanh nghiệp nhằm giới thiệu, tạo việc làm cho đối tượng sau khi giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng, tránh tình trạng tái xin ăn, sinh sống nơi công cộng.
Nhằm tạo điều kiện cho người lang thang, xin ăn tái hòa nhập cộng đồng, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ thông báo đến Sở LĐTB-XH các tỉnh, thành phố có đối tượng này, đề nghị tiếp nhận về địa phương và có cách thức hỗ trợ phù hợp.
Với người ở tại địa bàn TPHCM, UBND phường, xã, thị trấn tổ chức tiếp nhận và bàn giao về gia đình đối với các đối tượng có địa chỉ cư trú; yêu cầu gia đình cam kết không để người thân tiếp tục xin ăn, sinh sống nơi công cộng; đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể hỗ trợ đối tượng sớm ổn định cuộc sống.
Mỗi năm, có khoảng 1.500 - 2.000 lượt người lang thang, xin ăn được tập trung vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM. Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị người dân không nên cho tiền trực tiếp người xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Khi phát hiện người lang thang, xin ăn, người dân có thể gọi tới các số: 02838.292.491 (giờ hành chính); hay số 0918.115.151 (ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội), Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM 02835.533.258 (hoạt động 24/24 giờ). Các đơn vị trực 24/24 giờ để tập trung người lang thang, xin ăn cả ngày lẫn đêm.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giai-quyet-nguoi-lang-thang-vo-ke-hoach-631386.html