Giải quyết nhanh những vấn đề 'nóng', nổi cộm nhất của đăng kiểm phương tiện thủy

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định kỹ thuật phương tiện thủy theo hướng gọn nhất, nhanh nhất, tập trung vào vấn đề nóng nhất, bất cập và nổi cộm nhất.

Việc giám sát đăng kiểm phương tiện thủy thường được thực hiện tại các cơ sở sửa chữa tàu

Việc giám sát đăng kiểm phương tiện thủy thường được thực hiện tại các cơ sở sửa chữa tàu

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo số 180/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (ngày 23/5/2023) với lãnh đạo Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Cục Đăng kiểm VN, Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Cục Đăng kiểm VN để tháo gỡ, giải quyết các công việc liên quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa để đảm bảo không ùn tắc, gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định hiện hành. Triển khai gấp các giải pháp tuyển thêm người, bố trí, điều động các cán bộ, nhân viên hỗ trợ cho đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Chỉ đạo một số vấn đề cụ thể, như đối với phương tiện thủy chở thép cuộn, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Đăng kiểm VN tiếp tục thực hiện theo các quy định kỹ thuật hiện hành, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (tại các mục có liên quan để chở thép cuộn) cho tàu chở thép cuộn để kiểm tra tính toán kết cấu, các điều kiện khác theo đề xuất, nhu cầu của doanh nghiệp.

Đối với đăng kiểm phương tiện thủy làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá chuyển thành phương tiện thủy nội địa, Cục Đăng kiểm VN thực hiện theo thủ tục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 và điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Đối với các việc tồn đọng, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội yêu cầu Cục Đăng kiểm VN tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ GTVT như thời gian vừa qua.

"Giao Cục Đăng kiểm VN khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72: 2013/BGTVT) và các quy chuẩn kỹ thuật liên quan trình Bộ GTVT theo hướng gọn nhất, nhanh nhất, tập trung vào vấn đề nóng nhất, bất cập và nổi cộm nhất (ví dụ: giãn chu kỳ đăng kiểm, kiểm tra trên đà, phương tiện nhập khẩu, phương tiện cao tốc…), không dàn trải, nội dung sửa đổi đề xuất không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và chất lượng, an toàn phương tiện", nội dung thông báo kết luận.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải VN, Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với Cục Đăng kiểm VN xây dựng kế hoạch, đào tạo, huấn luyện bổ sung nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên của các cảng vụ nhằm triển khai tăng cường công tác kiểm tra giữa hai kỳ đăng kiểm. Các cơ quan, đơn vị quán triệt, nỗ lực hỗ trợ Cục Đăng kiểm VN để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Được biết, Cục Đăng kiểm VN hiện đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2015 của Bộ GTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm định phương tiện thủy nội địa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và đẩy mạnh phân cấp công tác đăng kiểm để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng đó, hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 25:2010/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, ban hành tại Thông tư số 15/2010 của Bộ GTVT) đề xuất bỏ quy định kiểm định hàng năm đối với phương tiện thủy loại công suất dưới 50CV và chiều dài dưới 20m. Phương tiện này sẽ chỉ phải kiểm tra 2 lần lên đà trong vòng 5 năm.

Đồng thời, rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn chu kỳ đăng kiểm đối với các phương tiện thủy có công suất, kích thước lớn hơn.

Các loại hình, chu kỳ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đang áp dụng

Về thời hạn, chu kỳ kiểm định phương tiện thủy hiện được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa QCVN 72: 2013/BGTVT (ban hành theo Thông tư số 61/2013 của Bộ GTVT).

Đối với phương tiện thủy đang khai thác có các chu kỳ đăng kiểm: kiểm tra lần đầu (để phân loại phương tiện). Kiểm tra định kỳ (giữa hai lần kiểm tra định kỳ): 5 năm/lần đối với tất cả các loại tàu.

Kiểm tra hàng năm: 6 tháng một lần đối với tàu vỏ gỗ không bọc ngoài; 12 tháng một lần đối với các tàu còn lại.

Kiểm tra trên đà (để xác nhận phần phương tiện chìm dưới nước): 12 tháng/lần đối với tàu vỏ gỗ không được bọc ngoài; 36 tháng/lần đối với tất cả các tàu còn lại: không quá 36 tháng một lần.

Trong định kỳ 5 năm phải lên đà hai lần, một trong hai lần lên đà phải trùng với đợt kiểm tra định kỳ.

Kiểm tra trung gian (không phải lên đà): không quá 12 tháng đối với tàu chở khách cao tốc; không quá 36 tháng đối với tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng.

Kiểm tra bất thường: kiểm tra bất thường tàu hoặc từng phần máy móc, thân tàu, trang thiết bị của chúng được tiến hành trong mọi trường hợp theo yêu cầu của chủ tàu, bảo hiểm, hoặc theo chỉ thị đặc biệt của Nhà nước; tàu bị tai nạn (nhằm xác định hư hỏng).

Kiểm tra bổ sung: 6 tháng/lần ở trạng thái nổi đối với tàu khách cao tốc trên 20 tuổi.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/giai-quyet-nhanh-nhung-van-de-nong-noi-com-nhat-cua-dang-kiem-phuong-tien-thuy-183230615172748352.htm