Giải quyết phép - cần linh hoạt trong quy định

Nghỉ phép là chế độ có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với bộ đội. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều khi đơn vị không thể giải quyết hết số ngày nghỉ phép theo quy định cho quân nhân.

Vì thế, Thông tư số 13/2012/TT-BQP ngày 21-2-2012 của Bộ Quốc phòng quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, đơn vị Quân đội ra đời là rất cần thiết, ý nghĩa. Trang Ý kiến chiến sĩ ghi nhận việc thực hiện chế độ nghỉ phép và thanh toán tiền nghỉ phép ở một số đơn vị thuộc Quân khu 3.

Những năm gần đây, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị cũng tạo điều kiện giải quyết cho sĩ quan, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng thuộc quyền nghỉ phép năm, phép đặc biệt. Nhiều đơn vị có những biện pháp linh hoạt trong giải quyết phép cho cán bộ, nhân viên như: Chủ động đề nghị nghỉ phép ngay từ đầu năm, không dừng phép vì lý do ở lại làm công tác chuẩn bị phục vụ kiểm tra của cấp trên, cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới vẫn có thể nghỉ phép khi gia đình có việc... Nhờ đó, cơ bản các cơ quan, đơn vị đều giải quyết đủ số ngày nghỉ phép cho cán bộ, nhân viên theo quy định.

Thượng tá Nguyễn Đức Hiển, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) chia sẻ: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch dự kiến thời gian để cán bộ, nhân viên luân phiên đi phép. Ngoài ra, chúng tôi căn cứ vào nhiệm vụ trong năm của từng đơn vị để đề nghị Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường giải quyết phép cho cán bộ, nhân viên vào những thời điểm rảnh rỗi, tuyệt đối không dồn phép vào cuối năm vì giai đoạn này thường bận rộn do thực hiện nhiệm vụ diễn tập, tổng kết. Nhờ đó mà đơn vị không có tình trạng nợ phép chuyển sang năm sau, giúp cán bộ, nhân viên thêm yên tâm công tác”.

Chỉ huy Lữ đoàn 513 thường xuyên gần gũi, sẻ chia với cán bộ cấp dưới.

Chỉ huy Lữ đoàn 513 thường xuyên gần gũi, sẻ chia với cán bộ cấp dưới.

Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động quân sự và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đan xen liên tục nên cũng có không ít đơn vị, nhất là đơn vị chủ lực đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo không thể giải quyết hết số ngày nghỉ phép cho cán bộ, nhân viên theo quy định, hoặc có giải quyết nghỉ phép song không đúng thời điểm đăng ký. Ngoài ra, việc quy định thành phần trực ở đơn vị phải có đủ cán bộ quân sự, chính trị cũng chi phối đến việc đăng ký nghỉ phép của các đơn vị.

Như tại Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, do yêu cầu nhiệm vụ nên mỗi đại đội chỉ có thể giải quyết lần lượt từng cán bộ thay nhau đi phép. Nếu đại đội biên chế đủ sĩ quan và giải quyết liên tục thì cũng phải 7 tháng mới hết phép năm của cán bộ. Trong khi đó, đơn vị thường xuyên đảm nhiệm huấn luyện chiến sĩ mới, diễn tập, hội thi, hội thao và nhiều nhiệm vụ đột xuất quan trọng khác nên việc giải quyết phép liên tục là điều không thể... Vì vậy, để vừa giải quyết cho cán bộ, nhân viên đi phép mà đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ là bài toán khó với cấp ủy, chỉ huy các cấp.

Hiện nay, chế độ nghỉ phép năm đối với sĩ quan, QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định cụ thể tại Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23-8-2016 và Thông tư số 153/2017/TT-BQP ngày 26-6-2017 của Bộ Quốc phòng. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị không thể bố trí cho sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng nghỉ phép năm hoặc nghỉ chưa hết số ngày phép năm theo quy định thì năm sau chỉ huy đơn vị xem xét, quyết định cho nghỉ bù phép của năm trước. Trường hợp cá biệt, chỉ huy đơn vị vẫn không thể bố trí cho đi nghỉ phép được thì sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng được xem xét, thanh toán tiền lương đối với số ngày chưa nghỉ phép năm theo quy định tại Thông tư số 13/2012/TT-BQP ngày 21-2-2012 của Bộ Quốc phòng.

Thực tiễn triển khai cho thấy, việc cán bộ, nhân viên chưa đi hết phép năm chủ yếu sẽ được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị giải quyết nghỉ bù vào quý I hoặc quý II của năm sau, rất ít trường hợp thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu thì việc giải quyết đủ ngày phép năm cho cán bộ, nhân viên đã khó nên việc bù thêm cả phép tồn đọng của năm trước lại càng khó hơn. Điều này dẫn đến tình trạng nợ phép diễn ra hết năm này qua năm khác.

Đại tá Lê Văn Đang, Chính ủy Lữ đoàn 454 (Quân khu 3) cho rằng: “Để cán bộ, nhân viên có được niềm vui nghỉ trọn vẹn hết ngày phép được hưởng thì quan trọng nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thực sự quan tâm, sẻ chia và chủ động, linh hoạt trong xem xét giải quyết đi phép; tuyệt đối không áp đặt cứng nhắc hay dừng đi phép cán bộ, nhân viên khi không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp, nhất là cấp có thẩm quyền giải quyết đi phép trong việc xem xét, đề nghị phép năm cho cán bộ, nhân viên. Có như vậy cán bộ, nhân viên mới thêm yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

----------

Tâm tình - Kiến nghị:

Để việc thanh toán phép được thuận lợi

Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân đóng quân phân tán trên nhiều địa bàn, nhiều khu vực có chế độ, tiêu chuẩn khác nhau. Thời gian qua, Lữ đoàn đã thực hiện việc thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường cho người hưởng lương khi nghỉ phép năm, nghỉ phép đặc biệt đúng với quy định tại Thông tư số 13/2012/TT-BQP ngày 21-2-2012 của Bộ Quốc phòng.

Các đồng chí sĩ quan, QNCN đăng ký nghỉ phép (thăm gia đình vợ hoặc chồng, cha mẹ...) cách nơi đóng quân của đơn vị 500km trở lên; hoặc 300km trở lên đối với những đồng chí có nơi đăng ký nghỉ phép thuộc vùng núi xa xôi, hẻo lánh thì được thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường. Thủ tục thanh toán gồm có: Kê khai hành trình; vé tàu, xe; hóa đơn mua vé; giấy nghỉ phép (có dấu, chữ ký xác nhận của chính quyền địa phương nơi nghỉ phép).

Các trường hợp đi phép đặc biệt thì cần bổ sung thêm những giấy tờ sau: Trường hợp thân nhân bị ốm đau đi điều trị ở cơ sở y tế hoặc điều trị dài ngày tại nhà phải có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận, dấu, chữ ký của cơ sở y tế. Trường hợp thân nhân bị chết phải có giấy chứng tử (bản photo, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú). Trường hợp gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi thân nhân cư trú.

Trong trường hợp đơn vị không thể bố trí sắp xếp cho nghỉ phép thì các đồng chí sĩ quan, QNCN được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm như sau: Các đồng chí đóng quân tại các địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên, đơn vị lập danh sách đề nghị chỉ huy từ cấp Lữ đoàn xem xét, quyết định cho thanh toán tiền lương những ngày chưa được nghỉ phép năm.

Tuy nhiên, không được vượt quá 15% quân số hưởng lương đơn vị. Nếu vượt quá 15% quân số, đơn vị phải lập danh sách báo cáo tuần tự cho đến Tư lệnh Hải quân, khi Tư lệnh Hải quân đồng ý mới được thực hiện. Các trường hợp còn lại, chỉ huy đơn vị lập danh sách báo cáo tuần tự từ dưới lên trên, trình thủ trưởng Bộ Quốc phòng; khi được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt mới được thực hiện.

Huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật ở Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân.Ảnh: VĂN BIỂN

Huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật ở Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân.Ảnh: VĂN BIỂN

Thực tế cho thấy, việc chi trả tiền lương đối với những ngày chưa được nghỉ phép hoặc chưa được nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm theo Thông tư số 13/2012/TT-BQP còn có bất cập, thủ tục nhiều, còn chậm, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Vì thế, chúng tôi kiến nghị: Đối với các đơn vị đóng quân ở vùng điều kiện khó khăn, xa xôi hoặc có phụ cấp khu vực mức 0,5 trở lên, trường hợp đơn vị không thể bố trí sắp xếp cho quân nhân nghỉ phép năm thì chỉ huy Lữ đoàn và tương đương (chủ tài khoản) có thể xem xét, quyết định chi trả tiền lương đối với những ngày chưa được nghỉ phép trong năm cho 100% quân số không được giải quyết đi phép. Các trường hợp còn lại như đóng quân ở đồng bằng, nơi điều kiện không khó khăn hoặc nơi có phụ cấp khu vực dưới 0,5, chỉ huy đơn vị lập danh sách báo cáo tuần tự từ dưới lên trên, trình thủ trưởng Bộ tư lệnh Vùng phê duyệt thực hiện. Điều này sẽ bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, nhanh chóng và công bằng.

Thượng tá NGUYỄN VĂN TUẤN (Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân)

---------

Giải quyết tốt chế độ nghỉ phép của bộ đội

Đội ngũ sĩ quan, QNCN ở Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên có nhiều người ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngoài các chế độ, chính sách như tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, hỗ trợ gia đình khó khăn, bị hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn đột xuất, thân nhân ốm đau, từ trần... chỉ huy đơn vị thường xuyên giải quyết tốt chế độ nghỉ phép, nghỉ tranh thủ các ngày lễ, tết.

 Bộ CHQS tỉnh Điện Biên tổ chức thăm hỏi gia đình quân nhân thuộc Trung đoàn 741 có hoàn cảnh khó khăn.Ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Bộ CHQS tỉnh Điện Biên tổ chức thăm hỏi gia đình quân nhân thuộc Trung đoàn 741 có hoàn cảnh khó khăn.Ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nếu cự ly trên 300km hoặc nhà ở vùng sâu, vùng xa đi đường trên 5 giờ đồng hồ liên tục đều được tài chính đơn vị thanh toán đầy đủ khi bảo đảm thủ tục theo quy định. Nhằm giải quyết tốt chế độ phép hằng năm, chỉ huy Trung đoàn luôn yêu cầu từng đồng chí sĩ quan, QNCN xác định kế hoạch nghỉ phép năm, bảo đảm cuốn chiếu, vừa hoàn thành nhiệm vụ đơn vị vừa được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Chính vì vậy, hằng năm, 100% sĩ quan, QNCN của đơn vị đều được nghỉ phép theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, không có trường hợp nào vì bận thực hiện nhiệm vụ mà không được nghỉ phép, thanh toán tiền nghỉ phép theo chế độ.

Thượng tá NGUYỄN ĐÌNH THUẬN (Chính ủy Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/giai-quyet-phep-can-linh-hoat-trong-quy-dinh-746278