Giải quyết thủ tục hành chính lưu động, phục vụ nhân dân tốt hơn
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cơ sở cấp xã là gần dân, sát với dân, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Nhiều người dân đến Nhà văn hóa thôn 2, xã Bù Đăng, để được hướng dẫn, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Tại Bù Đăng, một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai, đang cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong việc triển khai xây dựng chính quyền gần dân, sát với dân, phục vụ nhân dân thông qua mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) lưu động.
Đưa chính quyền gần dân, sát với dân
Thôn 2, xã Bù Đăng hiện có 279 hộ dân với 1.229 nhân khẩu, trong đó có đến 174 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai Chương trình TTPVHCC lưu động, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại nhà văn hóa thôn để được hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư pháp - hộ tịch, bảo hiểm, cập nhật VNeID…
Có mặt từ sáng sớm tại nhà văn hóa thôn để giải quyết thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hộ tịch, anh Điểu Linh, người dân tộc S’tiêng, thôn 2, xã Bù Đăng, cho biết trước đó, gia đình anh được trưởng thôn thông báo sáng 4-7, đoàn cán bộ xã mới sẽ về giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân tại nhà văn hóa thôn. Anh quyết định nghỉ đi rẫy một ngày để đến cập nhật giấy tờ khai sinh cho con gái và một số giấy tờ liên quan đến bản thân lên phần mềm VNeID.
Xã Bù Đăng được thành lập sau khi sáp nhập thị trấn Đức Phong với xã Đoàn Kết và xã Minh Hưng. Hiện nay, xã có diện tích khoảng 147km2, dân số gần 30 ngàn người.
“Bản thân tôi rất xúc động khi lần đầu tiên được lãnh đạo xã về tận nơi để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Càng vui hơn khi đến đây, tôi được cán bộ hướng dẫn các bước để giải quyết thủ tục hồ sơ khá tỉ mỉ, dễ hiểu, thái độ phục vụ ai cũng vui vẻ. Bản thân tôi rất hài lòng với chính quyền xã mới” - anh Điểu Linh vui vẻ cho biết thêm.
Không giấu được niềm vui, chị Thị Gai, người dân tộc S’tiêng, thôn 2, xã Bù Đăng, cho hay chị đến đây để đổi lại thông tin trong giấy khai sinh cho con. Trước đây, bên xã cũ, vợ chồng chị đi lại nhiều lần nhưng chưa làm được. Nay, cán bộ xã về tận nơi giải quyết các giấy tờ, thủ tục cho người dân, chị cảm thấy rất vui.
“Đồng bào ở đây đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều khi các thủ tục hành chính đơn giản nhưng cũng phải di chuyển mất thời gian. Hôm nay đến đây, được cán bộ xã giải quyết công việc khá nhanh, điều gì chưa giải quyết được thì có giấy hẹn đầy đủ, tôi thấy rất vui, hy vọng các thủ tục được giải quyết nhanh gọn” - chị Thị Gai bày tỏ mong muốn.
Đến giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến nhà đất, chị Phạm Thị Việt, thôn 4, xã Bù Đăng, cho biết bản thân chị khá hài lòng với sự đổi mới, chuyên nghiệp và lịch thiệp của chính quyền xã mới.
Chị Việt cho biết: “Trước đó, trưởng thôn thông báo cho người dân có cán bộ xã về giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ngay tại nhà văn hóa thôn. Vì đang làm công nhân trong khu công nghiệp, nghỉ làm sẽ mất ngày công lao động nên ban đầu tôi tính không đi, do hồ sơ của tôi liên quan đến đất đai - một lĩnh vực rất phức tạp. Thậm chí trước đó, gia đình đã liên hệ đơn vị chức năng nhiều lần nhưng không giải quyết được. Nay dù mới được hướng dẫn các bước giải quyết hồ sơ, nhưng tôi khá hài lòng về cách phục vụ của chính quyền xã mới, không uổng công tôi xin nghỉ làm một ngày để lên đây giải quyết hồ sơ”.
“Đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức xã Bù Đăng mới mong muốn bà con tiếp tục tin tưởng, đồng hành và góp ý cho chính quyền địa phương. Những ý kiến, phản ánh của người dân, dù nhỏ nhất cũng là căn cứ để chúng tôi nhìn lại mình, điều chỉnh kịp thời và làm tốt hơn” - Chủ tịch UBND xã Bù Đăng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND xã Bù Đăng Nguyễn Thanh Tùng, thay đổi lớn nhất của chính quyền địa phương 2 cấp là tập trung để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xuất phát từ đó, ngay sau khi công bố các quyết định thành lập xã và kiện toàn bộ máy, UBND xã Bù Đăng đã họp, quán triệt tất cả cán bộ, công chức để thay đổi cách nghĩ, cách làm; đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai trực tiếp xuống các thôn về mô hình TTPVHCC lưu động tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại nhà văn hóa thôn để người dân được nắm rõ. Vì vậy, ngay trong buổi ra quân đầu tiên, TTPVHCC lưu động của xã đã xử lý 40 hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân.
“Ngày đầu ra quân, người dân đến chật kín cả hội trường nhà văn hóa thôn, chúng tôi cảm thấy rất vui. Ngoài các thủ tục, hồ sơ của người dân được giải quyết trực tiếp tại buổi làm việc đúng nguyện vọng, chúng tôi còn được lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, mong muốn của bà con. Tất cả tâm tư, nguyện vọng của người dân, chúng tôi sẽ giao cho từng cơ quan phụ trách theo lĩnh vực tham mưu, giải quyết; lãnh đạo xã sẽ theo dõi và trả kết quả trực tiếp đến người dân” - ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, nền hành chính mới là phục vụ nhân dân nên việc chính quyền chủ động tìm đến người dân, doanh nghiệp và xem họ như “khách hàng” để phục vụ là chuyện đương nhiên. Do đó, thời gian tới, xã sẽ triển khai mỗi tuần đi một thôn, tiến tới vận hành đảm bảo tốt, giải quyết thủ tục tốt thì sẽ một tuần thực hiện 2 thôn trở lên. Việc này là thường xuyên, liên tục cho đến khi nào hết thủ tục của người dân và người dân không kiến nghị nữa thì sẽ dừng lại.
Có thể thấy, việc triển khai mô hình TTPVHCC lưu động tại xã Bù Đăng dù chỉ là bước khởi đầu, nhưng đang cho thấy những sự đổi mới rất tích cực. Không còn bị động, hành chính theo cách cũ, mà đã có sự thay đổi theo đúng mục tiêu, định hướng của Trung ương đặt ra, đó là gần dân, sát với dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.