Giải quyết ùn tắc giao thông: Khó dứt điểm nếu thiếu quyết tâm
Với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh mạnh, ùn tắc giao thông luôn là 'bài toán khó' với các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học cao khiến lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh. Nhiều năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp cụ thể cả trước mắt, cả lâu dài để từng bước giải bài toán ùn tắc giao thông và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, sẽ không thể giải quyết dứt điểm nếu thiếu sự quyết tâm, căn cơ, bài bản, nhất là trong việc thực hiện quy hoạch, phân bổ dân cư, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ.
Hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển
Phải khẳng định, hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong 20 năm qua, đặc biệt là sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và từng bước được hoàn chỉnh đã góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Hàng loạt tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và nhiều công trình trọng điểm... hoàn thành và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả to lớn như: Đường vành đai 1 kéo dài từ Nguyễn Khoái cho đến Hoàng Cầu; cầu Vĩnh Tuy; cầu Đông Trù; đường 5 kéo dài; cụm công trình đồng bộ, hiện đại, gồm nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - tuyến đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân kết nối vào trung tâm thành phố; tuyến đường vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy; đường vành đai 3 trên cao... Không chỉ được mở rộng, nâng cấp, cải tạo, trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện những nút giao thông đa tầng mà điển hình nhất là nút giao thông 4 tầng tại ngã 4 Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến gồm hầm chui, đường đi trên mặt đất, đường vành đai 3 trên cao và đường sắt trên cao. Tất cả tạo nên sự thay đổi thực sự về diện mạo hạ tầng giao thông đô thị văn minh ở thành phố.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ tăng dân số bình quân trong 10 năm (2009 - 2019) của Hà Nội là 2,22% năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (1,44%/năm). Mật độ dân số của thành phố là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. So với năm 1999 và năm 2009, mật độ dân số của thành phố tăng khá nhanh: Năm 2019 tăng 469 người/km2 so với năm 2009 và tăng 833 người/km2 so với năm 1999. Mật độ dân số khu vực thành thị năm 2019 lên tới 9.343 người/km2, cao gấp 6,7 lần so với khu vực nông thôn. Sự gia tăng dân số cơ học, cùng với đó là phát triển đô thị hóa thiếu sự quản lý, kiểm soát hợp lý, đã dẫn đến sự gia tăng ồ ạt các phương tiện cá nhân trong bối cảnh phương tiện giao thông công cộng chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chính vì thế, ngay cả nhiều tuyến phố từng được đánh giá là quy mô, hình mẫu năm nào với mặt đường rộng, dải phân cách lớn như Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng... cũng trở thành “tấm áo chật”.
Thế là những giải pháp tình thế như xây dựng cầu vượt bằng thép, thu hẹp dải phân cách... đã được tiến hành nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, dù đã rất nỗ lực, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhưng diện tích đất dành cho giao thông sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng chỉ đạt khoảng 10% (trong khi yêu cầu phải chiếm 20 - 26%). Trong khi hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt đã “đến ngưỡng” thì các loại hình vận tải công cộng hiện đại khác như đường sắt đô thị triển khai còn chậm. Mới đây, sau rất nhiều nỗ lực, Bộ Giao thông - Vận tải mới hoàn thành, chính thức bàn giao tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cho Thành phố để quản lý, vận hành.
Mấu chốt là thực hiện quy hoạch, phân bổ dân cư hợp lý
Những nỗ lực để giải quyết bài toán giao thông của thành phố là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không khó để thấy, bên cạnh những dự án phát triển hạ tầng có tầm nhìn, nhằm “kéo” người dân ra phía ngoài nội đô như Đại lộ Thăng Long, Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp, đường Vành đai 3..., thành phố vẫn phải đầu tư không nhỏ cho các dự án xử lý tình thế mà điển hình là việc xây dựng cầu vượt nhẹ bằng thép, thu gọn vỉa hè, dải phân cách để mở rộng lòng đường. Những giải pháp đó đã góp phần giải quyết không ít các “điểm đen” ùn tắc, nhưng khi các cơ quan, đơn vị và phần đông người dân vẫn có xu hướng gắn bó với nội đô thì ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm hay khi có mưa. Để giải quyết ùn tắc, một số giải pháp được xem là mạnh như hạn chế đăng ký phương tiện tại các quận, thu phí phương tiện vào nội đô... đã được đề xuất.
Trong khi đó, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan công sở ra khỏi nội đô dù đã được đề cập tại Luật Thủ đô nhưng tiến độ thực hiện nhìn chung rất chậm. Ngay cả những bộ, ngành liên quan trực tiếp tới vấn đề quy hoạch, phát triển xây dựng, giao thông như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang tọa lạc tại vị trí cũ. Một số bệnh viện đã di dời nhưng vẫn giữ lại trụ sở tại nội đô, thậm chí hầu hết còn cải tạo, mở rộng, xây dựng thêm các tòa nhà cao tầng, tương tự như vậy là nhiều trường đại học trong khu vực các quận lõi. Không ít cơ sở sản xuất, xí nghiệp đã được di dời ra ngoại thành và các tỉnh lân cận, nhưng trên những khu “đất vàng” đó lại mọc lên các trung tâm thương mại, khu đô thị cao tầng. Một số nơi, vì lý do nào đó chưa triển khai được dự án thì cho thuê “đất vàng” làm kho, bãi... Thế là số dân cư, phương tiện cá nhân không những không giảm mà còn tăng mạnh, gây áp lực càng lớn lên hệ thống hạ tầng xã hội, trong đó có giao thông.
Để phát triển Thủ đô bền vững, ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sau 10 năm thực hiện, qua rà soát thực tế, các ngành chức năng đã phát hiện những vấn đề bất cập, cần tháo gỡ. Cụ thể, theo định hướng quy hoạch, mật độ dân cư được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2.
Theo quy hoạch chung, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Nhưng đến nay, mới chỉ có đô thị Hòa Lạc đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/10.000. Với cơ sở hạ tầng hiện hữu, Hòa Lạc và Sóc Sơn đã hội tụ một số điều kiện thuận lợi về hạ tầng, đặc biệt là về giao thông, dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị vệ tinh. 3 đô thị vệ tinh kia vẫn chưa thấy bóng dáng. Việc chậm phát triển các đô thị vệ tinh đã ảnh hưởng tới việc phân bổ dân cư, giảm áp lực cho khu vực nội đô hiện tại, tác động tiêu cực tới việc thu hút các nguồn lực phát triển Thủ đô.
Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã nghiên cứu, đặt ra một số vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung như hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô, nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và “thị xã trong thành phố” trên cơ sở sáp nhập một số huyện.
Làm tốt công tác quy hoạch, phân bổ dân cư hợp lý, “bài toán” ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ có lời giải rốt ráo.