Giải quyết việc làm cho người lao động: Tiếp tục vượt chỉ tiêu được giao

Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách trong Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chủ động các giải pháp thích ứng an toàn với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, với việc đa dạng các kênh kết nối, công tác giới thiệu việc làm cho người lao động vẫn đạt được kết quả nổi bật. Năm 2021, số lượng lao động được giới thiệu việc làm vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Người lao động được đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định.

Người lao động được đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định.

Cũng như những năm trước, cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp "chạy" đơn hàng nên nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông tăng đột biến.

Theo kết quả đăng ký về Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, bắt đầu từ tháng 11/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng đáng kể với chỉ tiêu tuyển hàng chục nghìn vị trí việc làm, trong đó chủ yếu là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông như may mặc, giày da…

Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty THHH May mặc Vượng Anh (huyện Nho Quan) cho biết: Để kịp hoàn thành các lô hàng cuối cùng của năm, đồng thời khởi động những đơn hàng mới, doanh nghiệp không ngừng đăng thông tin tuyển dụng lao động. Tiêu chuẩn tuyển dụng cũng không quá khắt khe, người lao động chỉ cần có sức khỏe và chăm chỉ, khi vào làm việc sẽ được đào tạo nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Đối với những lao động tuổi ngoài 40, nếu muốn làm việc vẫn được bố trí vào những công đoạn đơn giản hơn. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song công ty đã nỗ lực để đảm bảo đúng lịch trả lương hàng tháng và thưởng Tết cho người lao động.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp triển khai khẩn trương các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động; triển khai thực hiện Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28 ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Đặc biệt, công tác kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động tiếp tục được chú trọng. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2021; phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền chính sách hỗ trợ về việc làm, xuất khẩu lao động cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương tại 7 huyện, thành phố với sự tham dự của 1.224 đại biểu; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch.

Thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ, cung ứng, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID -19.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động Ninh Bình đi làm việc ở các tỉnh khác trở về địa phương, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh phương án hỗ trợ. Thu thập, cập nhật thông tin lao động của 77.740 hộ gia đình; tổ chức kiểm tra 8/8 huyện, thành phố về công tác thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động...

Với sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, trong năm 2021, riêng kênh Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức thành công 7 phiên giao dịch việc làm (6 phiên định kỳ và 1 phiên chuyên đề trọng điểm). Trong đó, đã có gần 400 lượt doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn với trên 73 nghìn vị trí việc làm trống.

Qua các hình thức tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp tại Sàn giao dịch việc làm, đã tư vấn được trên 25 nghìn lượt người, giới thiệu gần 2 nghìn lao động tìm được việc làm; tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định cho 4.639 người hưởng chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền 66,691 tỷ đồng. Nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm 2021 lên trên 19.800 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Ở thời điểm này, khi mà Tết Nguyên đán đang tới gần, các doanh nghiệp cũng đã lên phương án thưởng Tết cho người lao động. Mỗi công ty có mức thưởng Tết khác nhau, nhưng tựu chung là đều muốn tri ân, chia sẻ với người lao động vào thời điểm trước thềm năm mới.

Thực tế cho thấy, để "giữ chân" được người lao động, ngoài việc các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách theo Luật lao động thì việc quan tâm có các chế độ đãi ngộ đối với người lao động cũng luôn là vấn đề mấu chốt. Có như vậy, người lao động mới yên tâm cống hiến, tận tụy và đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-tiep-tuc-vuot-chi/d2022010715344921.htm