Giải quyết vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ban, ngành chức năng tỉnh, nhiều khó khăn, vướng mắc trong GPMB được tháo gỡ, nhiều dự án đã hoàn thành, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn.

Cấp ủy, chính quyền phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chỉ đạo, vận động giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đường Hoàng Văn Thụ.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 (Cao Phong - Tân Lạc) dài 21,8 km, được khởi công từ năm 2017 đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 8/2020, đưa vào khai thác thúc đẩy thu hút đầu tư vào Khu du lịch hồ Hòa Bình. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết: Khối lượng công tác GPMB lớn, tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng đã vào cuộc tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn trong GPMB, bàn giao cho nhà thầu tổ chức thi công. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã làm tốt công tác quản lý đất đai, huy động được cấp ủy, chính quyền từ huyện, xã đến thôn, xóm tham gia. Riêng xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa) đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân về hưởng ứng, chấp hành chủ trương, chính sách của tỉnh, sẵn sàng di dời tài sản, hoa màu, cây cối, nhà cửa, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu có mặt bằng thi công.

Đối với dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia để tháo gỡ khó khăn trong GPMB. Đến nay, dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư phát triển du lịch, đô thị, sinh thái công nghiệp của tỉnh.

Qua 16 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU và 5 năm thực hiện Kết luận số 140-KL/TU về công tác chỉ đạo bồi thường, GPMB đã đem lại những hiệu quả tích cực. Ban chỉ đạo GPMB các cấp được thành lập để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bồi thường GPBM và hỗ trợ và tái định cư. UBND tỉnh kịp thời ban hành quy định về bảng giá các loại đất, giá đất cụ thể, bộ đơn giá bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất để chỉ đạo công tác GPMB. Toàn tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đối với 1.154 dự án; thực hiện thu hồi trên 3.000 ha đất các loại của 187 tổ chức, 28.915 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tổng kinh phí hỗ trợ, bồi thường đã chi trả trên 3.036 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho hơn 1.800 hộ. Đã có 917 hộ tự nguyện hiến đất để đầu tư xây dựng NTM với kinh phí 33,17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đặt ra. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và công tác quản lý đất đai, đơn giá đền bù còn bất cập. Năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện một số cấp ủy, chính quyền, trung tâm phát triển quỹ đất, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế. Vấn đề tạo việc làm cho người lao động có đất nông nghiệp thu hồi chưa được quan tâm triệt để. Sự chậm trễ trong chỉ đạo công tác GPMB là điểm nghẽn phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Trần Đức Thắng: Công tác GPMB chậm có nguyên nhân khách quan do chính sách về đất đai thay đổi, các chính sách về sau hướng về bảo vệ quyền lợi người dân nên đã hình thành tâm lý trông chờ, hưởng chích sách có lợi. Những dự án chậm GPMB đều vướng về giấy tờ nguồn gốc đất đai, trong khi theo chính sách quy định không được hưởng đền bù. Khu vực tiếp giáp giữa vùng đất nông thôn và thành thị không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, đã có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lâu năm, xây dựng các công trình, nếu thực hiện đền bù sẽ bị cơ quan chức năng kiểm soát. Đây là việc rất khó khăn trong thực hiện công tác đền bù GPMB. Bên cạnh đó, công tác quản lý chưa tốt, một số người dân lợi dụng chính sách đền bù, GPMB để trục lợi. Mặt khác, tổ chức bộ máy còn bất cập, hiện có nhiều dự án đang triển khai nhưng nhân lực hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Huy động hệ thống chính trị, xốc lại Ban chỉ đạo công tác GPMB theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ. Phân cấp mạnh cho cấp huyện để GPMB. Xây dựng cơ chế tạo quỹ đất sạch của các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng một số khu tái định cư tập trung trên địa bàn TP Hòa Bình và các huyện: Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác bồi thường GPMB tại cấp huyện, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB theo kế hoạch thu hồi đất đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách đền bù GPMB để trục lợi. Chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý kịp thời đối với các trường hợp sử dụng đất trái quy định, các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp, đặc biệt là nguồn gốc đất nông, lâm trường. Chỉ đạo ban hành khung giá đất mới phù hợp với thị trường, bảo đảm lợi ích người bị thu hồi đất...

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/136793/giai-quyet-vuong-mac-tr111ng-boi-thuong-giai-phong-mat-bang.htm