Giải thưởng nhiếp ảnh Prix Pictet 2025: Những 'cơn bão' của thời đại
Giải thưởng nhiếp ảnh Prix Pictet 2025 chọn chủ đề 'Storm' (Cơn bão), giới thiệu các bộ ảnh xuất sắc phản ánh biến đổi khí hậu, khủng hoảng xã hội và sức mạnh con người.

Bộ ảnh “Hands Tell Stories” (Đôi tay kể chuyện) của nhiếp ảnh gia Belal Khaled bắt đầu khi anh trú trong một chiếc lều gần bệnh viện Nasser ở thành phố Gaza. Tại đây, anh ghi lại hình ảnh đôi tay của những người xung quanh - nơi vết sẹo, sự tĩnh lặng và những cử chỉ nhỏ có thể những câu chuyện mà lời nói không thể truyền tải, về sự sống, mất mát, sức mạnh bền bỉ của con người và hy vọng. (Nguồn: The Guardian)
Tại Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Les Rencontres d’Arles, giải thưởng nhiếp ảnh danh giá Prix Pictet đã công bố danh sách rút gọn năm 2025 với chủ đề “Storm” (Cơn bão). Các tác phẩm được chọn phản ánh những “cơn bão” không chỉ giới hạn ở hiện tượng tự nhiên mà còn bao trùm biến động xã hội, ký ức chiến tranh, dịch bệnh và khủng hoảng môi trường.
Trong chủ đề này, các nhiếp ảnh gia đã mở rộng khái niệm “cơn bão” sang nghĩa ẩn dụ - nơi một bàn tay, một vết sẹo, một trang sách hay một đám mây cũng có thể trở thành biểu tượng cho những xáo trộn sinh thái, chính trị và tâm lý.
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Sir David King nhận định: “Trên hành tinh chúng ta, các thảm họa do biến đổi khí hậu như cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang cướp đi sinh mạng, tàn phá cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái quý giá. Nhiều nơi đã không còn thích hợp để con người sinh sống. Trong bối cảnh đó, chủ đề ‘Cơn bão’ đến thật đúng lúc”.
Tập trung vào tính bền vững, Prix Pictet đã lựa chọn 12 nhiếp ảnh gia từ nhiều quốc gia, mỗi người một góc nhìn, một “cơn bão” riêng để kể câu chuyện về sự mong manh, khả năng chống chịu và hy vọng giữa hỗn loạn. Người chiến thắng sẽ được công bố tại Bảo tàng Victoria and Albert (London) vào tháng 9/2025.
Dưới đây là một số những bức ảnh ấn tượng:

Nhiếp ảnh gia Patrizia Zelano tái hiện trận triều cường lịch sử tại Venice năm 2019 qua loạt ảnh “Acqua Alta a Venezia” (Nước dâng cao ở Venice). Bà ghi lại hình ảnh những cuốn sách, từ bách khoa toàn thư, luận văn khoa học đến các tác phẩm văn học cổ điển mà bà "cứu" khỏi dòng nước lũ. Chùm ảnh là hành trình qua bốn thời kỳ nghệ thuật, nơi tri thức trở thành di vật, giấy trở thành sóng, và những trang sách như đang chao đảo giữa biển động của ký ức và thời gian. (Nguồn: The Guardian)

Trong loạt ảnh “Hurricane Season” (Mùa bão), nhiếp ảnh gia Hannah Modigh ghi lại khoảnh khắc đời thường của người dân miền Nam Louisiana (Mỹ), nơi cuộc sống gắn liền với mùa bão. Qua ống kính của mình, bà thể hiện những tác động mà thiên tai để lại trong nhịp sống và tâm lý cộng đồng. (Nguồn: The Guardian)

Loạt ảnh “The End” (Kết thúc) của nhiếp ảnh gia Alfredo Jaar ghi lại tình trạng suy kiệt nghiêm trọng của hồ Great Salt ở bang Utah (Mỹ) do khai thác nước quá mức. Là hệ sinh thái quan trọng của Tây bán cầu, nơi duy trì lượng mưa và là môi trường sống của khoảng 10 triệu chim di cư, hồ đã mất tới 73% lượng nước kể từ giữa thế kỷ XIX. Việc mực nước sụt giảm đã để lộ bụi độc hại và làm tăng độ mặn lên mức nguy hiểm. Nếu không có biện pháp cải thiện nguồn nước, hồ có nguy cơ biến mất, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, môi trường và kinh tế của toàn vùng. (Nguồn: The Guardian)

Trong bộ ảnh “Are they rocks or clouds?” (Là đá hay là mây?), nhiếp ảnh gia Marina Caneve hướng ống kính về dãy Dolomites (miền Bắc Italy) từng hứng chịu lũ lụt và lở đất nghiêm trọng vào năm 1966. Tránh lối khắc họa núi non tráng lệ thường thấy, cô tập trung vào các tầng địa chất, nơi tiết lộ cấu trúc mong manh của dãy núi và dấu hiệu cho thấy thảm họa có thể tái diễn. (Nguồn: The Guardian)

Trong các tác phẩm của bộ ảnh “Luciferines – Entre Chien et Loup” (Luciferines - Giữa chó và sói), nhiếp ảnh gia Tom Fecht ghi lại ánh sáng phát quang sinh học của loài phù du nước lạnh Luciferines đang dần biến mất do nhiệt độ đại dương tăng cao. Hiệu ứng phát sáng xảy ra khi hàng triệu sinh vật tiếp xúc với oxy trên mặt biển động. Những vệt sáng mong manh ấy gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường và chỉ có thể được ghi lại qua ống kính máy ảnh trong khoảnh khắc chập choạng giữa đêm và ngày. (Nguồn: The Guardian)

Tại cửa hàng rau củ, một tác phẩm trong bộ ảnh “Le Ciel de Saison” (Bầu trời mùa) của Baudouin Mouanda, tái hiện trận lũ lịch sử năm 2020 tại Brazzaville (Cộng hòa Congo) qua sự tham gia của chính những người từng trải qua. Do không thể tiếp cận các khu phố ngập sâu trong thời điểm xảy ra lũ, anh đã ghi lại ký ức bằng cách dựng khung cảnh trong tầng hầm ngập nước. Người dân mang theo đồ đạc cá nhân, cùng tạo dáng nhớ về những tình huống thực tế mà họ từng đối mặt. (Nguồn: The Guardian)

Bộ ảnh “The Big Cloud” (Đám mây lớn) của nhiếp ảnh gia Camille Seaman ghi lại hiện tượng siêu bão – những cơn giông có thể tạo ra mưa đá cỡ lớn, vòi rồng và các đám mây khổng lồ rộng đến 80km, cao tới 20km, đủ sức che khuất ánh sáng ban ngày. Với Seaman, hình ảnh đám mây là biểu tượng cho tính hai mặt của tự nhiên: đẹp đẽ và khủng khiếp, sáng tạo và hủy diệt, tất cả cùng tồn tại trong một thực thể. (Nguồn: The Guardian)

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Amazogramas” của nhiếp ảnh gia Roberto Huarcaya thể hiện sức mạnh của thiên nhiên. Trong lúc ông và cộng sự đang phơi sáng một cuộn giấy cảm quang dài 30 mét đặt dưới thân cây cọ trên lòng sông Madre de Dios (Amazon), một cơn bão bất ngờ ập đến. Bốn tia chớp đã in dấu trực tiếp lên cảnh vật và tấm giấy. Trong khoảnh khắc ấy, thiên nhiên trở thành tác giả. (Nguồn: The Guardian)

Từ thời đi học ở Nhật Bản, nhiếp ảnh gia Takashi Arai được nghe trực tiếp câu chuyện từ các hibakusha, những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Trong loạt ảnh “Exposed in a Hundred Suns” (Phơi dưới hàng trăm mặt trời), ông lặng lẽ ghi lại hình ảnh các di tích và địa điểm gắn liền với di sản hạt nhân ở Nhật Bản, Mỹ và quần đảo Marshall bằng kỹ thuật daguerreotype 6x6 cm. Những “vi ký ức” mà ông gọi là micromonument là nỗ lực tái dựng ký ức qua góc nhìn cá nhân của người bản địa. (Nguồn: The Guardian)