Giải thưởng Sách Quốc gia 2024: Dành sự vinh danh lớn nhất cho tác giả Việt
Theo Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, ba Giải A năm nay đều thuộc về các tác giả trong nước. Mỗi cuốn sách đại diện cho một lĩnh vực, phản ánh sự đa dạng của các đề tài trong danh sách đề cử.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vinh danh 58 tác phẩm xuất sắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc.
Qua 6 mùa tổ chức, Giải thưởng đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, được xã hội quan tâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Giải thưởng năm nay có nhiều điểm mới cả về cơ cấu giải thưởng và hình thức tổ chức.
Trước thềm Lễ trao giải, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tầm vóc của Giải thưởng cũng như hướng đi tiếp theo của ngành xuất bản, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Đề cao tính lan tỏa của sách
- Được biết Ban Tổ chức đã có nhiều sáng kiến để nâng tầm Giải thưởng Sách Quốc gia. Xin Cục trưởng cho biết một số nét mới của mùa giải năm 2024?
Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Giải thưởng là nơi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, đóng góp to lớn của các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, người làm sách, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ giải thưởng và các nhà báo trong việc sáng tạo ra những tác phẩm hay, những cuốn sách có giá trị; không ngừng quảng bá, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Giải thưởng năm nay có nhiều đổi mới quan trọng như: Mở rộng đối tượng đề cử, bao gồm bạn đọc và cơ quan báo chí, truyền thông; tăng tỷ trọng số điểm để đề cao tính lan tỏa của sách; bổ sung hạng mục Sách được bạn đọc yêu thích; tổ chức các hoạt động tri ân tác giả, dịch giả và quảng bá sách.
Năm nay, số lượng sách tham dự đạt kỷ lục với 372 bộ và tựa sách, gồm 455 cuốn (nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI), từ 51/57 nhà xuất bản (tăng 10 nhà xuất bản so với lần thứ VI).
Giải thưởng đã mời 81 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý uy tín tham gia hội đồng chấm giải, đảm bảo tính chuyên môn và công bằng.
Chương trình lễ trao giải được đổi mới mạnh mẽ, các tiết mục sắp xếp đan xen giữa các phần trao phần thưởng (Bằng khen của Bộ trưởng) và giải thưởng là các video kể về câu chuyện sách, văn hóa đọc với các chủ đề: Truyền thống và hiện đại; Cống hiến và ghi nhận; Lan tỏa những giá trị, trong đó người trong cuộc và cả chính bạn đọc kể những câu chuyện về Giải thưởng và những ảnh hưởng đến sự phát triển của xuất bản và văn hóa đọc; về hành trình sáng tạo, lan tỏa những giá trị của sách, cả những vui buồn, mong muốn của tác giả, dịch giả và người làm sách với tác phẩm mình sáng tạo, về tâm huyết của người làm sách và mong muốn các cuốn sách được lan tỏa rộng rãi, về tình yêu sách của bạn đọc.
- Năm nay, quá trình chọn ra các tác phẩm xứng đáng giành Giải A có khiến cho Hội đồng phải cân nhắc, tranh luận không, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Khi tìm các tác phẩm Giải A, Hội đồng giải không chỉ nhìn vào tính lan tỏa trước mắt mà còn cân nhắc những giá trị lâu dài. Trong các tiêu chí xét giải, Hội đồng đánh giá tác phẩm dựa trên tính xây dựng, tính cập nhật, mới mẻ và có khả năng đại diện cho sự phát triển của xuất bản nước nhà.
Ba Giải A năm nay đều thuộc về các tác giả trong nước. Mỗi cuốn sách đại diện cho một lĩnh vực riêng. Điều này phản ánh sự đa dạng của các đề tài trong danh sách đề cử.
Sách đề cử nhận giải không chỉ có sách của tác giả Việt mà còn có nhiều tựa sách dịch, bởi đó là cách bạn đọc tiếp thu, cập nhật tinh hoa tri thức của thế giới. Tiểu ban sách chính trị, kinh tế có nhiều sách dịch vì nội dung sách có nhiều mô hình, cách làm hay, là cơ hội để độc giả tham khảo, học tập trong quá trình đổi mới, phát triển.
Sách dịch chiếm tỷ lệ nhất định trong mỗi thể loại, chiếm khoảng 37% trên tổng số các tác phẩm được đề xuất trao giải. Với ngành xuất bản, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tôn vinh, truyền bá văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập thế giới. Giải thưởng Sách Quốc gia bắt kịp xu hướng xuất bản thế giới nhưng cũng tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của tác giả trong nước. Đó là lý do chúng tôi dành sự vinh danh lớn nhất cho các tác giả Việt.
Xuất bản: Gắn kết các ngành công nghiệp văn hóa
- Sách điện tử, sách tinh gọn đang là xu hướng của ngành xuất bản thế giới. Với Việt Nam, thị trường sách điện tử, sách tinh gọn đang có những bước tiến như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Từ những chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, kể từ năm 2018 đến nay, ngành xuất bản đã có những đổi mới rất mạnh mẽ về mặt tư duy.
Sách tinh gọn hay sự phát triển của xuất bản điện tử chỉ là một trong những đổi mới có thể nhận thấy từ bên ngoài, thực tế thì sự thay đổi nhận thức về vai trò và trách nhiệm của người làm sách mới là câu chuyện lớn của ngành xuất bản.
Đó là lý do ngành xuất bản vẫn có những bước đi vững chắc sau sự tác động rất mạnh mẽ của COVID-19 cũng như những vấn đề về kinh tế trong thời gian qua, mặc dù về doanh thu thì ngành còn rất nhiều khó khăn.
Trở lại với sách điện tử-sách tinh gọn, ngành xuất bản đã thay đổi cách làm cũ, thay vì phục vụ thị trường những gì mình có, thì chúng tôi mang đến những gì mà xã hội cần, chủ động đáp ứng nhu cầu của độc giả. Cụ thể, người làm xuất bản đã có những nỗ lực tuyệt vời để bước ra thế giới, mua bản quyền những cuốn sách hay, có giá trị ở nước ngoài và mang về Việt Nam một cách nhanh chóng.
- Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 với nguồn vốn hơn 122 nghìn tỷ đồng, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP cả nước. Là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, xuất bản sẽ được chú trọng phát triển như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Ngành xuất bản thời gian qua đã có những bước phát triển nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nỗ lực rất lớn của chính các tác giả và những người làm công tác xuất bản. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là vẫn còn rất nhiều hạn chế phải khắc phục.
Các cơ quan xuất bản cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các thư viện, hội chợ, triển lãm và các hoạt động khác. Việc hình thành các câu lạc bộ đọc sách cần phải gắn kết chặt chẽ với ngành giáo dục.
Về phát triển xuất bản như một ngành công nghiệp văn hóa, tôi cho rằng cần nhiều yếu tố. Đầu tiên là quy mô của ngành phải đủ lớn, phải ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tạo ra sản phẩm có tính đồng đều về mặt chất lượng, quan trọng hơn cả là tạo ra giá trị gia tăng.
Ở góc độ công nghiệp văn hóa thì xuất bản không chỉ cần phát triển theo chiều rộng mà còn phải phát triển theo chiều sâu, tức là phải có bản sắc quốc gia-dân tộc, cá tính của người sáng tạo.
Để vận hành “cỗ xe” công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể coi ngành xuất bản như một ngành cung cấp content (nội dung) cho sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn một cuốn sách hay có thể được chuyển thể thành phim, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút khách du lịch. Sách có thể là chất gắn kết các lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn…
Đó là vấn đề đòi hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan phải có sự kết hợp chặt chẽ để có kế hoạch tổng thể dựa trên chiến lược đã được Quốc hội bàn thảo. Với nguồn vốn đầu tư rất lớn dành cho văn hóa, chúng ta cần phát triển ngành đúng với tầm vóc, tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển chung của xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng./.