Giải tỏa vấn đề 'nóng' trong khai thác cát tại Sóc Trăng

Trong những ngày gần đây, chuyện khai thác cát đang là chủ đề 'nóng' ở Sóc Trăng.

Khai thác thử nghiệm tại Mỏ MS03 trên sông Hậu (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Khai thác thử nghiệm tại Mỏ MS03 trên sông Hậu (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Nhiều mỏ cát trên sông Hậu và trên biển thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được đưa vào khai thác phục vụ các dự án, công trình trọng điểm, san lấp nền đường cao tốc trong khu vực; nhưng bên cạnh đó, người dân ven sông Hậu cũng còn băn khoăn, lo lắng một khi các mỏ cát khai thác sẽ gây ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, mưu sinh từ nguồn lợi trên sông.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã cấp phép khai thác 5 mỏ cát trên sông Hậu theo cơ chế đặc thù để thi công dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tổng trữ lượng cát của 5 mỏ là hơn 11 triệu m3. Để công khai, minh bạch khai thác cát, tỉnh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về vị trí, mỗi ngày được phép khai thác bao nhiêu cho người dân biết để giám sát.

Trong mỗi lần khởi công mỏ cát, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng luôn đề nghị các nhà thầu khai thác cát tuyệt đối đảm bảo chủ trương của Nhà nước, trong quá trình khai thác phải đảm bảo an toàn, đúng chỉ định, vị trí, vận chuyển, sử dụng đúng mục đích phục vụ cho Dự án đường cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vì đây là dự án trọng điểm quốc gia. Các mỏ cát được khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, có đầy đủ cơ sở pháp lý, được các cấp, các ngành đánh giá toàn diện cả về khoa học và thực tiễn. Trước khi tiến hành khai thác các mỏ cát, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đã cung cấp đầy đủ, chi tiết, kịp thời các nội dung liên quan đến mỏ cát; kiên trì tuyên truyền, giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án.

Qua tuyên truyền, nhiều hộ dân đã bày tỏ sự phấn khởi khi tỉnh Sóc Trăng được Trung ương đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới và cam kết không có hành vi tụ tập phản đối gây cản trở cho lực lượng chức năng khai thác mỏ cát, chủ yếu tập trung tại mỏ cát MS01, nằm trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách).

Mặc dù được tuyên truyền, đối thoại nhưng vẫn còn mốt số người dân phản đối, chưa đồng thuận. Trước việc doanh nghiệp khởi công khai thác mỏ cát MS01 trên sông Hậu, một số đối tượng có hành vi quá khích đã kích động bà con xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) tụ tập đông người xung quanh khu vực mỏ cát, cản trở việc khai thác cát. Đồng thời, một số người cố tình chống đối, có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin xuyên tạc, sai sự thật về việc khai thác mỏ cát trên không gian mạng mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động.

Cơ quan chức năng cũng đã triệu tập, làm việc với 3 đối tượng về hành vi đăng tải video trực tiếp trên mạng xã hội, kích động, xúi giục người dân cản trở trái phép các hoạt động thi công, thu hút nhiều bình luận tiêu cực về việc khai thác mỏ cát. Tại cơ quan Công an, các trường hợp này đã thừa nhận hành vi trên là vi phạm pháp luật, cam kết không tái phạm, các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật về chủ trương đã tiến hành gỡ bỏ các thông tin đăng tải trước đó trên mạng xã hội facebook. Đồng thời, cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Công an Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân hãy là người dùng mạng xã hội thông minh, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội vì hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Lãnh đạo trực tiếp và hành động cụ thể

Chuyện khai thác cát “nóng” lên, chỉ trong vòng 5 ngày gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã 3 lần đi khảo sát thực địa khu vực khai thác cát trên sông Hậu và đối thoại với người dân tại huyện Kế Sách. Qua những lần đối thoại, kiểm tra thực địa, lãnh đạo UBND tỉnh cùng với các cấp ngành chuyên môn, địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến người dân. Các đơn vị thi công khai thác cát cũng đã cam kết với người dân sẽ đảm bảm an toàn trong khai thác cát, theo dõi tình hình sạt lở, nếu có nguy cơ sẽ ngừng khai thác, khắc phục, kể cả làm kè kiên cố chống xói lở để hạn chế ảnh hưởng thiệt hại đến sinh hoạt, đời sống cho người dân vùng ven sông Hậu.

Đối thoại với người dân, Chủ tịch Trần Văn Lâu luôn khẳng định, tỉnh luôn quan tâm đến đời sống, sức khỏe của bà con, do đó trong quá trình cấp phép khai thác cát, chính quyền địa phương luôn tuân thủ theo đúng pháp luật hiện hành. Trong quá trình khai thác, tỉnh đã phân công Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, xử lý, giám sát hoạt động các tổ công tác liên ngành; đề nghị 2 tổ công tác liên ngành khai thác cát sông và cát biển rà soát, bổ sung quy chế phối hợp, xây dựng kế hoạch giám sát, tăng cường công tác giám sát hoạt động khai thác cát.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan có trách nhiệm công khai, minh bạch tài liệu, hồ sơ về việc cấp phép khai thác mỏ cát này cho bà con biết; quá trình khai thác có sự giám sát chặt chẽ từ ngành chức năng và bà con nhân dân trong khu vực. Trong quá trình khai thác cát sông nếu bị sạt lở sẽ khắc phục ngay, tránh ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của bà con.

Khai thác cát tại lễ khai mỏ MS01 trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công cao tốc. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Khai thác cát tại lễ khai mỏ MS01 trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công cao tốc. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Tăng cường kiểm tra, giám sát của người dân

Trong quá trình đi thực tế và đối thoại trực tiếp với người dân, nhiều hộ dân đã đồng tình ủng hộ dự án, đồng thuận với việc tỉnh tiến hành khai thác cát phục vụ cho dự án cao tốc trọng điểm của quốc gia đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân lo lắng là việc khai thác cát trên sông có gây ra sạt lở đất bờ sông hay không, bởi sạt lở bờ sông tại địa phương trong thời gian qua diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Trong số đó, có nhiều hộ mong muốn được tỉnh đầu tư tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phong Nẫm để việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn. Một số hộ dân mong muốn chính quyền quan tâm đến công việc, mưu sinh khi thực hiện khai thác cát trên sông Hậu.

Ông Võ Văn Nổ, ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm là hộ dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hậu mấy mươi năm qua đề xuất đến lãnh đạo tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho người dân sống bằng nghề giăng lưới, câu cá trên sông để hộ dân chuyển đổi nghề trong thời gian chủ dự án tiến hành khai thác cát, nhằm giúp cho hộ dân có đời sống ổn định. Ông Dương Tấn Phong, ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm lại mong muốn tỉnh hỗ trợ địa phương làm con đường giao thông nông thôn với bề ngang mặt lộ 3,5m; chiều dài hơn 10 km, có con đường này sẽ giúp cho việc vận chuyển nông sản của hộ dân trên địa bàn ấp thuận lợi hơn, góp phần tăng giá bán nông sản sau thu hoạch... Những kiến nghị của người dân đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận.

Chủ tịch Trần Văn Lâu cho rằng, tài nguyên thiên nhiên là thuộc quyền sở hữu của quốc gia và việc khai thác cát là khai thác tài nguyên quốc gia để phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tầm quan trọng phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, Chính phủ đã đầu tư dự án. Tất cả những gì Đảng, Nhà nước làm là vì lợi ích của nhân dân, phục vụ cho nhân dân. Trong quá trình triển khai dự án, đã có nhiều chuyên gia chuyên ngành đánh giá đầy đủ về những tác động của dự án và cho thấy dự án đạt kết quả tốt, Chính phủ mới thông qua thực hiện.

Đối với việc khai thác cát tại Mỏ cát MS01, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc khai thác cát trên lòng sông Hậu hiện nay là để phục vụ cho Dự án thành phần 4, thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Do đó, rất mong muốn bà con đồng tình, ủng hộ và có thể tham gia theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện, tất cả vì mục tiêu cao nhất phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Để công khai, minh bạch khai thác cát, tỉnh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về vị trí, mỗi ngày được phép khai thác bao nhiêu cho người dân biết để giám sát. Chủ tịch tỉnh đề xuất, người dân cũng có quyền cử một người ra giám sát việc khai thác cát, chính quyền sẽ hỗ trợ chi phí 250.000 đồng/người/ngày. Trong ngày, người giám sát có trách nhiệm báo cáo lại với người dân về tình hình khai thác cát. Mong người dân đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ vì lợi ích chung…

Từ “nóng” chuyện cát với sự tuyên truyền của các cấp ngành chuyên môn, địa phương, đặc biệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh đã liên tục gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và cam kết… nhiều hộ dân đã bày tỏ vui mừng khi lãnh đạo tỉnh với những việc làm trực tiếp, sâu sát, quan tâm đến người dân, qua đó, chuyện “nóng” đã đang được giải tỏa chuyển sang “mát” dần .

Trung Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-toa-van-de-nong-trong-khai-thac-cat-tai-soc-trang-20240822184149766.htm