Giảm 2% thuế VAT: 'Đòn bẩy' sức cầu cho nền kinh tế
Theo khuyến nghị của các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các chính sách thuế được sử dụng hiệu quả với các đối tượng được thụ hưởng, ví dụ giảm 2% thuế VAT, có lợi cho phục hồi kinh tế.
Một trong những nội dung của Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT).
Cụ thể, trong các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ được các đại biểu Quốc hội đồng ý, về chính sách tài khóa, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).
Tuy nhiên, chính sách sẽ không áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhìn chung gói hỗ trợ là cần thiết nhưng giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất lúc này là khả năng mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, bền vững.
Về vấn đề giảm thuế VAT, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng loạt là nhanh và hiệu quả nhất lúc này. Ông cũng giữ quan điểm là làm đồng loạt sẽ tốt hơn thay vì có “khu biệt” một số ngành bởi cách này sẽ đơn giản hóa quy trình cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Giảm thuế VAT, theo lý thuyết, được giới chuyên môn khẳng định sẽ giúp nhiều đối tượng được hưởng lợi, không như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ doanh nghiệp làm ăn có lãi, có đóng thuế mới được hưởng. Và giảm thuế VAT thì không chỉ doanh nghiệp mà trong khối tư nhân, nhóm chủ chốt với kinh tế hộ, nhóm hộ, cá thể (chiếm 71% lực lượng lao động và đóng góp 31% GDP), cũng như người tiêu dùng đều có thể được hưởng.
Theo đó. việc mở rộng đối tượng đượng hưởng lợi từ giảm nhẹ gánh nặng thuế sẽ kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn, các thành phần khu vực kinh tế tư nhân được kích hoạt phục hồi để phục vụ sức cầu tăng cao, có ý nghĩa kích cầu vốn đang hồi phục chậm do hệ quả đại dịch, sẽ “lên” nhanh hơn.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, một trong những người đã khuyến nghị chính sách giảm thuế tới Việt Nam, cho rằng về mặt tổng quan, trên thế giới hiện có nhiều nền kinh tế đang phải ứng phó với lạm phát. Vì vậy cũng có những câu hỏi luôn đặt ra và lo ngại về áp lực của lạm phát tại Việt Nam. Tuy nhiên theo ông, trong ngắn hạn ở phía cung, chúng ta thấy mức phản ứng tại Việt Nam hiện nay đang lớn hơn phía cầu. "Cuộc khủng hoảng hiện nay là sự mất cân bằng cung -cầu trong khi Việt Nam cung lớn hơn cầu, nên sẽ không có khủng hoảng trong mấy tháng tới gây ra bởi lạm phát", chuyên gia của World Bank nhận định.
Dư cung mà lại thiếu cầu (vì nhiều nguyên do trong đó có việc người dân thắt chặt chi tiêu, vẫn còn tâm lý phòng vệ đại dịch dẫn đến sức mua suy yếu, thu nhập giảm dẫn đến tâm lý tiết kiệm hơn; nhiều khu vực vẫn gặp lo ngại các vùng "cam, đỏ" dẫn đến hạn chế điều kiện chi tiêu của người dân trong các hoạt động thương mại dịch vụ...), yếu tố nhập khẩu lạm phát theo chuyên gia cũng chưa tác động lớn tới Việt Nam. Vì vậy, làm thế nào để tạo "đòn bẩy" sức cầu là một trong những tiền đề của phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, góp sức tạo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2022.
Đánh giá cao về lợi ích của giảm 2% thuế VAT (dù có những lĩnh vực chưa được giảm), bà Dorsati Madani, chuyên gia cao cấp của World Bank tại Việt Nam khẳng định thêm rằng đây sẽ là chính sách có lợi cho nền kinh tế và người dân.
Theo bà Dorsati Madani, về tác động của chính sách thuế nói chung, trước hết, chính sách giãn hoãn thuế của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp có ngân quỹ và giải quyết khó khăn tiền mặt eo hẹp trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, đã tạo điều kiện dễ thở hơn, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong hơn năm rưỡi qua, tuy vậy, chính sách giảm thuế vẫn chưa được sử dụng một cách đầy đủ cho các đối tượng do còn nhiều doanh nghiệp nhận xét là thủ tục khó khăn, rườm rà.
"Giảm thuế 2% là công cụ rất tốt để triển khai càng sớm càng tốt trong năm tới, tạo động lực mua sản phẩm nhiều hơn, giúp cho nền kinh tế và các hộ gia đình", bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Các chuyên gia của World Bank cũng nhận định lạc quan về gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ và khả năng phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 2022, với tiền đề là COVID-19 trên toàn cầu sẽ được kiểm soát, lắng dịu và dự báo GDP của Việt Nam có thể quay lại đà tăng trưởng trước đây, đạt 6,5%-6,7%.